Đua nhau khuyến mãi
Chưa có thời điểm nào thị trường ô tô lại vào cuộc giảm giá mạnh như thời gian gần đây. Điều đáng chú ý là dù các nhà sản xuất chỉ đưa ra những chương trình ưu đãi như hỗ trợ phí trước bạ, mua xe sẽ được tặng quà... nhưng các đại lý lại sẵn sàng trừ thẳng tiền mặt vào giá xe cho khách, hoặc giảm giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để kích cầu.
Cụ thể, hiện các giá bán lẻ của mẫu Chevrolet Trax giảm 90 triệu đồng còn 679 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT). Ngoài ra, các mẫu xe khác cũng được GM Việt Nam tặng khá nhiều tiền, như: Colorado được tặng 40 - 80 triệu đồng, Aveo và Captiva được tặng khoảng 50 triệu đồng, Cruze cũng có mức tặng tiền mặt khá cao từ 60 - 80 triệu đồng, tuỳ từng phiên bản. Trong khi đó, Hyundai tại Việt Nam tiếp tục thực hiện chiến dịch tặng quà bằng tiền mặt cho các khách hàng mua 2 mẫu xe lắp ráp trong nước là Elantra và SantaFe, với mức 60 - 80 triệu đồng, tuỳ từng phiên bản.
Đối với Nissan Việt Nam, mẫu crossover lắp ráp trong nước X-Trail cũng có các mức ưu đãi khá cao từ 60 - 90 triệu đồng, kèm theo hệ thống dẫn đường và hệ thống giải trí...; còn đối với mẫu xe bán tải Navara, Nissan cũng có chương trình hỗ trợ khách hàng, với các mức tặng tiền hỗ trợ từ 45 - 55 triệu đồng.
Còn đối với các thương hiệu không có các chương trình khuyến mãi, trước áp lực của kế hoạch bán hàng và việc chuẩn bị ra các phiên bản xe mới, các đại lý của họ buộc phải thực hiện riêng các chương trình thúc đẩy bán hàng. Như với Toyota, các hệ thống đại lý phía Bắc đang có mức tặng rất hấp dẫn dành cho các khách hàng lên tới 100 triệu đồng hầu như toàn bộ các phiên bản Camry.
Cũng tương tự các hình thức như vậy, Suzuki Việt Nam khá mạnh tay với việc hỗ trợ tặng tiền mặt lên tới cả trăm triệu đồng cho khá nhiều mẫu xe; Ertiga được tặng 90 triệu đồng, chiếc sedan hạng B được hỗ trợ 92 triệu đồng và đặc biệt là mẫu Swift được hỗ trợ tới 110 triệu đồng, chiếc crossover cỡ nhỏ Vitara 60 triệu đồng...
Giá xe có thực sự giảm từ năm 2018?
Trên thực tế, giá ô tô rục rịch, sau đó giảm mạnh từ trước khi thuế nhập khẩu đang ở mức 40%, sau đó lùi về 30% từ ngày 1/1/2017 theo Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA). Tính toán của các chuyên gia, với mức giảm 10% thuế, giá xe giảm từ 5% - 7%. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường giá của các dòng xe đang giảm từ 15% - 20%.
Đáng chú ý, không chỉ các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN, mà ngay cả những hãng không nằm trong AFTA lẫn sản xuất trong nước cũng giảm giống nhau. Như vậy, liệu khi thuế nhập khẩu từ 30% hiện hành về 0% từ ngày 1/1/2018 liệu giá ô tô có tiếp tục giảm sâu?
Theo phân tích của các chuyên gia, chắc chắn khi thuế về 0%, giá xe niêm yết tiếp tục giảm và nhu cầu sẽ tăng mạnh trở lại. Nhưng cũng không loại trừ tổng giá trị của chiếc xe khi đến tay người tiêu dùng hay nói đúng hơn là khi xe lăn bánh sẽ tăng lên nếu chính sách thuế, phí được Nhà nước điều chỉnh. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới giá xe.
Chẳng hạn, nếu Bộ Tài chính sửa các luật như: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp hay điều chỉnh các loại phí như: Phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu, bảo trì đường bộ, đăng kiểm và phí lưu hành... chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá xe.
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; có hiệu lực từ ngày 17/10/2017. Đáng chú ý, quy định mới này không hề cởi trói cho nhập khẩu ô tô như nhiều người mong đợi, mà còn siết chặt hơn so với các quy định cũ.
Theo đó, với những điều kiện mới ban hành, giá ô tô nhập khẩu phải đóng phí khoảng 30 - 40 triệu đồng cho mỗi lô hàng và bị kiểm soát gắt gao. Như vậy, khi số lượng xe nhập khẩu vào không nhiều và chi phí tăng lên thì giá ô tô khó có thể giảm, thậm chí sẽ xảy ra tình trạng thao túng giá nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Nhà nước.