Nhưng cũng còn đấy không ít lo lắng của những gia đình nghèo, chỉ lo vài trăm nghìn để mua sắm sách vở, đồ dùng thiết yếu cho con vào đầu năm học mới mà cũng không xoay xở nổi.
Hạn chế mua sắm những khoản không cần thiết
Chị N.T.H (thành phố Lào Cai) cho biết: “Chuẩn bị năm học mới cho con gái (HS THCS) vài năm gần đây, tôi sắm mới cho con ít lắm. Thiếu thứ nào thì mua thôi. Không nhất thiết phải dùng đồ mới, nhất là cặp sách, quần áo đồng phục, xe đạp. Như cặp sách con dùng năm nay là năm thứ 2, xe đạp thì dùng 3 năm rồi. Kể cả đồ dùng học tập và quần áo. Phải tiết kiệm, không mua sắm lung tung, để tiền dồn cho con đi học thêm tiếng Anh”.
Chị H cho biết, riêng sách giáo khoa thì năm nào chị cũng đặt theo nhà trường luôn. Nhất là sách học tiếng Anh của con. Như vậy cho tiện đồng bộ với chương trình học. “Chứ tự phụ huynh sắm sách thì cũng không biết mua một số sách ở đâu, ví dụ sách tiếng Anh. Có năm học không có đủ sách tiếng Anh theo chương trình của nhà trường dạy để mua cho HS, thì nhà trường cho HS mượn sách từ các lớp trước đã dùng”- chị H cho biết.
Thị trường tràn ngập đồ dùng học tập đầu năm học mới |
Chia sẻ với chúng tôi, chị N.T.H cho biết, trước đây khoản tốn nhất với các phụ huynh ở trường con chị học là các khoản đóng góp cho nhà trường, chứ không phải mua sắm đồ dùng học tập hay các đồ dùng thiết yếu khác. “Bây giờ thì đỡ hẳn mấy khoản đóng góp đó rồi” - chị N.T.H nói.
Đồ dùng học tập “made in China” vẫn “sống khỏe”
Mặc dù đã có nhiều phụ huynh và HS hướng đến lựa chọn các sản phẩm đồ dùng học tập và đồ dùng phục vụ năm học mới sản xuất trong nước, song hàng Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá thành rẻ, vẫn được người tiêu dùng lựa chọn (trừ những đồ dùng học tập phải mua theo quy định của ngành GD, lớp, hay trường cụ thể).
Thị trường đồ dùng học tập đầu năm học mới ở Lào Cai cơ bản đa dạng, tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng giống như chị N.T.H khá tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm mới cho con, trừ những đồ dùng học tập thiết yếu còn thiếu, mặc dù ở thành phố Lào Cai có cả hiệu sách tư nhân và hiệu sách của Nhà nước, cung cấp khá đầy đủ từ sách, vở, đến đồ dùng học tập. Chị N.T.H cho biết đồ dùng học tập (bút chì, thước kẻ, tẩy, cặp sách…) ở thành phố Lao Cai chủ yếu là hàng Trung Quốc sản xuất, trừ sản phẩm bút máy, bảng, vở thì HS thường lựa chọn hàng Việt Nam nhiều (vì phải theo quy định của trường, lớp).
Cũng ăn theo thị trường đầu năm học mới, các cửa hàng bán xe đạp có vẻ đông khách hơn. Tại Lào Cai nhiều HS mua xe đạp của Trung Quốc sản xuất, vì giá rẻ, mẫu mã phong phú, kiểu dáng bắt mắt. Những chiếc xe đạp Trung Quốc có giá trên dưới 1 triệu đồng được nhiều HS lựa chọn. Tuy nhiên, khi đã mua một chiếc xe đạp thì có thể dùng trong nhiều năm, nên không phải HS nào cũng được gia đình sắm mới cho xe đạp vào đầu năm học mới.
Thương nhất là con nhà nghèo
Còn phụ huynh N.H ở thành phố Thanh Hóa chia sẻ về tình hình mua sắm đầu năm học mới cho hai con học THCS và tiểu học của gia đình chị và những phụ huynh khác chị quen: “Trường ngoài công lập ở Thanh Hóa ít, phần lớn ở thành thị và nông thôn đều học công lập.
Cách mua sắm đồ dùng học tập và những mặt hàng thiết yếu cũng vì thế vẫn quen thuộc như mọi năm. Gia đình nào có điều kiện kinh tế để mua sắm đầu năm học cho con thì thuận lợi hơn các gia đình khác.
Riêng sách vở, quần áo đồng phục, cặp sách thì đầu tư mới 100%, đồ dùng học tập cho hai con cũng mua hết hơn 3 triệu đồng. Còn lại các đồ dùng học tập và vở thì mua rải rác trong năm học theo tình hình sử dụng của các con”.
Tại thành phố Thanh Hóa, các siêu thị, hiệu sách, nhà sách nhập về nhiều hàng hóa phục vụ năm học mới, nên chị N.H thấy mua sắm cho con cũng thuận tiện. Dù ở thành phố, nhưng khác với gia đình có điều kiện như chị N.H, có những trường hợp gia đình hoàn cảnh khó khăn thì bọn trẻ được dùng cặp sách lành lặn là quý rồi, không quan trọng đồ mới hay cũ.
Khó khăn nhất vẫn là những phụ huynh ở vùng nông thôn, hoàn cảnh kinh tế không cho phép mua sắm cho các con đầu năm học mới.
Gia đình ông N.V.Đ (thôn Xuân Tiến, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là hộ cận nghèo. Thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, thu nhập thấp, lại gặp thiên tai vừa mới đây, mất mùa, khiến ông N.V.Đ càng không biết xoay xở sao khi hai con sắp bước vào năm học mới (lớp 6 và lớp 10).
Các con đều vào năm học mới lớp đầu cấp, nên việc mua sắm sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, xe đạp để đi học… càng khiến ông lo lắng mà chưa tìm được cách nào có tiền. Ông N.V.Đ buồn rầu nói: “Riêng mua sách vở, đồ dùng học tập mới cần thiết nhất cho các con cũng phải mất hơn 1 triệu đồng. Quần áo đồng phục mỗi con phải cần 2 bộ (mùa đông, mùa hè), chưa kể phải mua xe đạp cho hai con vào cấp học mới đi học xa nhà.