Bản quyền truyền hình ở V-League: Tít mù rồi lại vòng quanh!

GD&TĐ - Bản quyền truyền hình đã trở thành vấn đề nóng tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2021.

Trận đấu giữa Hà Nội FC (bên trái) và Sài Gòn FC trong khuôn khổ vòng 12 V-League 2021.
Trận đấu giữa Hà Nội FC (bên trái) và Sài Gòn FC trong khuôn khổ vòng 12 V-League 2021.

Tuy nhiên, làm gì để khai thác miếng bánh được cho là “khổng lồ” này, nguồn thu quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp thì các bên liên quan vẫn rơi vào trạng thái không lối thoát.

Trông người lại ngẫm đến ta

Tại Hội nghị diễn ra vào ngày 16/10, ông Vũ Tiến Thành - Giám đốc Điều hành CLB Phố Hiến khẳng định giá trị cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bản quyền truyền hình là nguồn thu rất quan trọng.

Muốn tự chủ thu chi và sống được, các đội bóng phải khai thác thành công bản quyền truyền hình, đồng thời qua đó, phát triển được thương hiệu của các câu lạc bộ và giải đấu. Tổng Giám đốc Trương Mạnh Linh của SLNA đề xuất cần có ý kiến với các nhà đài nhằm tăng giá trị của bản quyền truyền hình V-League.

Vậy vấn đề sống còn của bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào đang được V-League khai thác như thế nào?

Theo ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), hợp đồng bản quyền truyền hình đã được VPF và đối tác ký kết từ năm 2017 và kéo dài đến hết mùa 2022. Những điều khoản hợp đồng ký kết năm 2017 là hợp lý trong thời điểm đó. Tất nhiên theo thời gian, lúc này hợp đồng có thể chưa có những điểm phù hợp với nguyện vọng của VPF và các câu lạc bộ. Ông Tú cho biết thêm, hợp đồng mới sẽ có những thay đổi nhằm bảo đảm quyền lợi nhiều hơn cho giải đấu và các câu lạc bộ.

Thực tế, hợp đồng bản quyền truyền hình V-League đang ở mức giá mà nhiều người trong cuộc khẳng định “rẻ như bèo”. Theo hợp đồng VPF ký với Next Media, mỗi năm tiền bản quyền toàn bộ Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bao gồm:

V-League, hạng Nhất, Cup Quốc gia chỉ vỏn vẹn… 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trong mỗi trận đấu có 15 phút quảng cáo thì VPF và các câu lạc bộ được khai thác 9 phút. Next Media cho rằng, nếu như trước kia VPF không thu được tiền từ bản quyền, thậm chí mất tiền cho các đơn vị sản xuất, thì từ năm 2017 đến nay, mỗi năm Next Media trả cho VPF một khoản tiền và thời lượng quảng cáo.

Theo tìm hiểu, mỗi TVC quảng cáo 30 giây giá trung bình 20 triệu đồng, V-League một mùa có 182 trận x 18 TVC, VPF có thể khai thác được 3.276 TVC, tức hơn 65,5 tỷ đồng, nhưng đó chỉ là… trên giấy.

Thực tế phần lớn của khoảng thời gian 9 phút quảng cáo mỗi trận đều được VPF dùng để thanh toán, trả quyền lợi (quảng cáo) cho các nhà tài trợ của giải. Mà cho dù còn thừa thời lượng VPF cũng không thể tìm đâu ra thêm quảng cáo bên ngoài. Cho nên, con số hơn 65,5 tỷ đồng bản quyền truyền hình chỉ là “bánh vẽ”.

Các đội bóng nhà nghề Thái Lan sống khỏe từ bản quyền truyền hình.

Các đội bóng nhà nghề Thái Lan sống khỏe từ bản quyền truyền hình.

Đồng thời, chúng ta xem bóng đá Thái Lan khai thác miếng bánh này như thế nào. Tháng 9/2020, người Thái đã khiến cả Đông Nam Á “sửng sốt” khi công bố gói hợp tác bản quyền truyền thông các giải đấu bóng đá tại Thái Lan, cũng như các đội tuyển Thái Lan, với tổng giá trị lên đến 12 tỷ baht (gần 9.000 tỷ đồng).

Gói bản quyền này kéo dài trong 8 năm, từ 2021 - 2028, và mỗi năm bình quân bóng đá Thái Lan nhận được khoảng 1,5 tỷ baht (hơn 1.115 tỷ đồng). Trong số 1,5 tỷ baht/năm kể trên, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan sẽ nhận 1,2 tỷ baht là tiền mặt (gần 900 tỷ đồng), số còn lại đến từ lợi tức của việc sản xuất các chương trình truyền hình đồng hành.

Nếu so sánh với gói bản quyền truyền thông mà Liên đoàn Bóng đá Thái Lan có được từ đối tác True Vision (giai đoạn 2011 - 2020), giá trị của gói bản quyền truyền thông hiện tại còn lớn hơn rất nhiều.

True Vision đã ký với Liên đoàn Bóng đá Thái Lan số tiền tổng cộng 6,6 tỷ baht (khoảng 4.900 tỷ đồng). Riêng 3 năm cuối từ 2017 - 2020 có giá 4,2 tỷ baht (hơn 3.100 tỷ đồng). Truyền thông Thái Lan cho biết, thu nhập chính của các CLB chiếm hơn 90% từ tiền bản quyền truyền hình. Đấy là những con số biết nói và nó chứng minh tại sao Thai League hấp dẫn nhất Đông Nam Á và liên đoàn bóng đá châu Á xếp hạng 8 châu lục.

Cũng cần phải nói thêm, bản quyền ở giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan được ví như miếng bánh ngọt với các đơn vị truyền hình. Trong 10 năm qua, True Vision là đơn vị luôn chiếm ưu thế trong việc sở hữu bản quyền truyền hình Thai League 1 (vô địch quốc gia) và Thai League 2 (hạng Nhất).

Trong khi đó, Siam Sport dù thất thế nhưng cũng đã sở hữu bản quyền Cúp Liên đoàn và Cúp Quốc gia (Thái FA Cup), Thái League 4 (hạng Ba). Còn Mycujco, nền tảng phát sóng trực tuyến trên Internet sở hữu Thai League 3 (hạng Nhì) giai đoạn 3 năm gần đây. Như vậy, có thể thấy độ phủ sóng của bóng đá Thái Lan sâu rộng như thế nào đến người hâm mộ cũng như các doanh nghiệp.

Trở lại bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, vấn đề bản quyền truyền hình bắt đầu được chú ý khi năm 2010, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ký hợp đồng bán cho Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) trong 20 năm, với giá trị 6 tỷ đồng/năm, lũy tiến 10% sau mỗi năm. Tuy nhiên tới năm 2011 sau khi được thành lập, VPF với những ông bầu đình đám đã giành lại bản quyền truyền hình V-League từ tay AVG.

Mục tiêu VPF đặt ra là đem về nguồn thu lên tới hàng trăm tỉ đồng từ bản quyền truyền hình. Nhưng sau đó bầu Kiên vướng vòng lao lý, nguồn thu bản quyền truyền hình trở lại với guồng quay cũ, có cũng như không.

Hoàng Anh Gia Lai (áo sáng) đứng trước nguy cơ không được dự AFC Champions League 2022.

Hoàng Anh Gia Lai (áo sáng) đứng trước nguy cơ không được dự AFC Champions League 2022.

Bao giờ bán được?

Đặt ra 2 gói hợp đồng truyền thông của bóng đá Việt Nam và Thái Lan nhằm thấy rõ hơn sự khác biệt, hay cách kiếm tiền trong xu thế phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chứ chúng ta không thể “mơ mộng” 5 năm, kể cả 10 năm tới, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có được nguồn thu nghìn tỷ như người Thái.

Bản quyền truyền hình, hay gói hợp đồng truyền thông cũng giống như đi bán một sản phẩm. Nó được định giá dựa trên chất lượng sản phẩm. Trước khi đặt vấn đề người mua bản quyền truyền hình, thì hãy làm rõ bóng đá Việt Nam sau 20 năm bước lên chuyên nghiệp có gì để bán?

Sau thời kỳ bầu Kiên, VPF vẫn còn đó bầu Thắng, bầu Đức, song bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chìm đắm trong bạo lực và bán độ. Những thông tin tiêu cực, hình ảnh bạo lực trên sân, sai sót nghiêm trọng của đội ngũ trọng tài đã khiến cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vô cùng xấu xí. Rất nhiều vụ việc đã được báo chí nước ngoài đăng tải.

Tiêu cực lên tới đỉnh cao với các vụ bán độ ở Ninh Bình năm 2014, liên quan tới 9 cầu thủ… Thực trạng đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến cho nguồn thu từ bản quyền truyền hình không đem lại giá trị bao nhiêu, trước khi VPF bán thẳng cho Next Media với giá trị “có cũng như không”.

Đánh giá về thực trạng bản quyền truyền hình, ông Trần Anh Tú cho biết: Giai đoạn hiện tại, VPF luôn mong muốn thu được lợi nhuận không chỉ ở khía cạnh bản quyền truyền hình, mà còn là trên nền tảng Internet, mạng xã hội. Nhưng để có thể đạt được giá trị bản quyền truyền hình nói chung như kỳ vọng thì bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải bảo đảm được hình ảnh giải đấu, bao gồm lối chơi của cầu thủ trên sân, cơ sở vật chất, hành xử của các cầu thủ, huấn luyện viên, Ban điều hành giải đấu… có giá trị cao trong mắt nhà tài trợ. Như thế, VPF không phải rơi vào thế yếu, phải mặc cả từng điều khoản. Bóng đá chuyên nghiệp sẽ thu hút được quan tâm của nhiều đối tác, với những giá trị tương xứng hơn.

Lý thuyết là thế, song thực tế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều bài toán khó. Lý do bởi chúng ta chưa xây dựng được nền móng vững chắc, theo đúng định hướng của bóng đá chuyên nghiệp.

Về mặt truyền thông, những “tranh cãi” qua lại giữa lãnh đạo VPF và lãnh đạo câu lạc bộ Hải Phòng mới đây chắc chắn là hình ảnh không đẹp, không hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt Nam vốn đang khó khăn vì đại dịch Covid-19. Thông tin về nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam có thể bị cấm tham dự V-League 2022 vì… nợ thuế đã hạ thấp giá trị của giải đấu trong mắt Liên đoàn Bóng đá châu Á.

Hoặc mới đây, cơ hội để HAGL góp mặt ở AFC Champions League cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những quy định chặt chẽ của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Theo đó, đội bóng phố Núi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, một câu lạc bộ dự giải đấu hàng đầu châu Á phải thi đấu tối thiểu 27 trận mỗi mùa.

Quy định này có từ năm 2017 và được duy trì cho đến nay. Nếu xét theo tiêu chí này thì các đội bóng của Việt Nam đều chưa thể hoàn thành vì chỉ mới chơi khoảng 12 trận đến 13 trận trong năm 2021 trước khi giải đấu bị hủy bởi Covid-19. Vậy nên, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn luôn ở tình trạng “giật gấu vá vai”, chỉ riêng việc đáp ứng đúng tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp cũng đã… mướt mồ hôi.

Sau 20 năm lên chuyên nghiệp, hầu hết các đội ở V-League hiện nay quen sống bằng tiền của các ông bầu, ngân sách Nhà nước và chưa có khả năng tự nuôi sống được mình. Ngay cả câu lạc bộ mạnh hàng đầu là Hà Nội FC, sở hữu dàn sao khủng, có thương hiệu, làm truyền thông bài bản nhưng đội bóng này vẫn không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam. Các khoản chi trông chờ vào hầu bao của bầu Hiển.

Hoặc như đội Hải Phòng, mỗi mùa giải đều được ngân sách thành phố hỗ trợ 40 tỷ đồng. Cá biệt mùa giải 2021 con số trên còn tăng lên 50 tỷ đồng.

Nguồn thu hạn chế, thậm chí nhiều thứ cứ nghĩ “hái ra tiền” lại thuộc mặt hàng “0 đồng”, nên nhiều câu lạc bộ Việt Nam không có đủ khả năng tài chính để xây dựng mô hình chuyên nghiệp vững mạnh.

Công tác đào tạo trẻ được chăng hay chớ, mạnh ai người nấy làm. Sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình trạng nợ lương, cắt giảm nhân sự trở nên phổ biến với nhiều đội bóng. Lúc này, tồn tại được đã là may mắn nói gì đến đầu tư lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm tốt để bán được giá cao.

Thực tế, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa phải là mặt hàng giá trị cao, có sức hút trên truyền hình. Bởi vậy, bao giờ có được nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình là câu hỏi trăn trở hơn 10 năm qua vẫn chưa có lời giải và phía trước còn khá mịt mờ.

Tháng 11/2020, sau khi trúng cử vị trí Phó Chủ tịch Tài chính và Vận động tài trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Lê Văn Thành cho biết sẽ tập trung mang về nhiều nguồn thu cho bóng đá Việt Nam.
Ông tuyên bố rằng: “Trong 2 năm tới, việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam cũng giống như nước ngoài là bán bản quyền truyền hình, vé bóng đá. Đây là 2 mảng chính có thể đem lại nguồn thu lớn mà Ban Tài chính, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chưa làm được.
Trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu sẽ làm được. Tôi lấy ví dụ từ năm 2021 đến 2028, Thái Lan bán được bản quyền truyền hình. Mỗi 1 năm khoảng được 1.000 tỉ. Mong muốn của tôi trong những năm tới là sẽ làm được những tham vọng này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ