Song, những cố gắng không ngừng của những người luôn trăn trở và yêu nghệ thuật sân khấu đã mở ra những khởi sắc đáng mừng.
Trên đà hội nhập
Cùng với sự phát triển chung, sân khấu kịch thế giới cũng thay đổi với nhiều loại hình diễn xướng, từ sân khấu dân gian truyền thống với những bản sắc riêng độc đáo của mỗi quốc gia, đến sự giao thoa để tạo ra những loại hình sân khấu mang màu sắc chung nhất toàn cầu.
Sang đến thế kỷ 21, khi những phạm trù “toàn cầu hóa”, “hội nhập”, “đối thoại với các nền văn minh”… trở thành xu hướng chung của thế giới, nghệ thuật sân khấu cũng có những biến đổi. Nhiều hình thức sân khấu thế kỷ mới đã xuất hiện tại Việt Nam như: Kịch Hình thể, kịch Giả tưởng, kịch Kinh dị, kịch Trinh thám, kịch Hiện thực tâm lý xã hội, kịch Nghệ thuật sắp đặt, kịch không có kịch bản, kịch tương tác…
Hội nhập đã mang đến cơ hội thách thức nghệ sỹ rộng đường sáng tạo, tác phẩm phản ánh đa chiều tâm tư, khát vọng con người xã hội đương đại. Không thể phủ nhận, những thành công trước đó của sân khấu kịch Việt Nam như: Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, Biến vĩ Thanh của tình yêu (Nhà hát Tuổi trẻ), Sang sông (CLB sân khấu thủ nghiệm (Hội Nghệ sĩ SKVN), Nỏ thần (Kịch Phú Nhuận), Ngàn năm tình sử (Kịch Idecaf). Đặc biệt những liên hoan sân khấu kịch hàng năm đã mang đến cho các đạo diễn, diễn viên trẻ được thử sức bay bổng.
Mạnh dạn thử nghiệm
Mặc dù không phải là con đường hoàn toàn mới, nhưng việc lựa chọn dàn dựng và Việt hóa một tác phẩm kinh điển của nước ngoài phù hợp với thời đại và cách cảm của người Việt Nam đã là những thể nghiệm tích cực của các nghệ sĩ. Vở kịch “Hamlet” là một trong những kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của nhà viết kịch William Shakespeare, đã được dàn dựng ở nhiều quốc gia.
Mặc dù trải qua 4 thế kỷ từ khi ra đời cho đến nay, tác phẩm vẫn không mất đi giá trị thời đại. Vở bi kịch là hành trình đi tìm sự thật - một sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người. Hoàng tử Đan Mạch trở về nước chịu tang cha. Chàng vô tình phát hiện ra một âm mưu tày trời: Chú ruột giết cha chiếm ngai vàng và chiếm luôn Hoàng hậu (mẹ của chàng) làm vợ. Lòng tràn đầy căm phẫn, ghê tởm và chán ghét cuộc đời, chàng quyết định đi tìm bằng được sự thật và tìm cách báo thù cho cha…
Cũng đã từng có 2 kịch bản “Hamlet” được dựng tại Việt Nam của Nhà hát Kịch Hà Nội (năm 2002) và kịch Hình thể Nhà hát Tuổi trẻ năm 2010, nhưng chưa được đánh giá cao. Theo ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Thì việc dựng vở kịch “Hamlet” lần này là một cuộc thử sức đối với các nghệ sĩ trẻ, khi đảm nhận những vai diễn kinh điển trong tác phẩm kinh điển. Đồng thời cũng là cuộc thử sức của nhà hát kịch để gây được tiếng vang lớn, kéo được công chúng về rạp chiếu.
Được biết, vở kịch đã được mạnh dạn đầu tư với kinh phí dựng vở hơn 1 tỉ đồng - gấp đôi so với các vở kịch khác. Sau khi ra mắt, tại Hà Nội và TPHCM, vở kịch đã nhận được với sự hưởng ứng của đông đảo công chúng. Hiện tượng “cháy vé” trong các đêm diễn với giá tới 1 triệu đồng/một vé, thể hiện những thành công của đội ngũ các nghệ sĩ.
Không dừng ở đó, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã tiếp tục thử sức khi đưa vở kịch này ra trình diễn tại nước ngoài. Ở lần xuất ngoại này, “Hamlet” được mang tới khán giả Singapore bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhà hát lấy bản gốc tiếng Anh của kịch bản để chạy phụ đề cho lời thoại. Và để chuẩn bị cho việc lưu diễn tại Nhà hát Victoria, từ những ngày đầu tháng 3, vở kịch “Hamlet” đã được đạo diễn NSND Anh Tú cùng các nghệ sĩ nhà hát chau chuốt lại.