Thế hệ trẻ Việt Nam luôn khắc ghi lời căn dặn ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

GD&TĐ - Những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017- 2018 luôn nhớ về lần gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những lời căn dặn ân cần.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2018.

Nhớ mãi những lời dặn ân cần

Ngày 3/11/2018, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017- 2018. Đây là những học sinh đạt giải tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, giải nghiên cứu khoa học kĩ thuật quốc tế, những học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và vượt khó vươn lên.

Gần 6 năm đã trôi qua, nhưng kí ức về lần gặp gỡ đó luôn khắc sâu trong tâm trí các bạn học sinh, sinh viên tiêu biểu. Đó cũng là hành trang để các bạn tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt được nhiều thành công trong chặng đường tiếp theo.

Phạm Đức Anh, người hai lần đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, chia sẻ: Em vinh dự được 2 lần gặp bác Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu là vào năm 2018, khi đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu vào Phủ Chủ tịch để báo cáo thành tích chia sẻ hoài bão của tuổi trẻ với bác. Lần sau là vào đầu năm 2021, em được tham dự phiên khai mạc và phiên bế mạc Đại hội Đảng XIII.

Em vẫn cảm thấy xúc động khôn tả khi nhớ lại cái bắt tay ấm áp cùng những lời khích lệ ân cần của Tổng Bí thư, chính điều đó đã truyền cho cậu bé 18 tuổi ngày ấy động lực vô cùng đặc biệt thôi thúc em phấn đấu không ngừng nghỉ, trau dồi cả đạo đức và chuyên môn để trở thành một người bác sĩ giỏi, hết mình phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

IMG_0217.JPG
Phạm Đức Anh, người hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế báo cáo thành tích và chia sẻ hoài bão của tuổi trẻ với bác Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng năm 2018.

Em cũng nhớ mãi câu bác Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" Câu nói này khơi dậy lòng tự hào và khát khao cống hiến cho chúng em trong suốt chặng đường học tập và rèn luyện vừa qua.

"Quả thực cậu bé 18 tuổi ngày ấy trong mơ cũng không nghĩ rằng có ngày được vào Phủ Chủ tịch, được trực tiếp gặp và báo cáo trước bác Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Khoảnh khắc được bác bắt tay thật ấm áp" - Đức Anh nói.

Nguyễn Văn Thành Lợi, chủ nhân chiếc Huy chương Đồng Olympic Vật lý quốc tế năm 2018, hiện đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ: Là học sinh từ tỉnh Bình Phước xa xôi, em rất tự hào và vinh dự khi được vào Phủ chủ tịch để dự buổi tiếp kiến với bác Tổng Bí thư, Chủ tịch nước năm đó. Tuy thời gian gặp gỡ không nhiều nhưng em luôn ấn tượng từ bác Nguyễn Phú Trọng sự giản dị, chân thành.

Dù 6 năm đã trôi qua nhưng em luôn nhớ lời căn dặn của bác: “Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết".

Còn Trần Đức Huy, chủ nhân chiếc Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2018, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam bộc bạch: Được gặp mặt bác Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, được chia sẻ hoài bão của tuổi trẻ với bác là niềm vinh dự đối với em và các bạn học sinh trong năm 2018. Đây là kỉ niệm mà em sẽ nhớ mãi trong suốt quãng đường sau này.

Em vẫn nhớ mãi lời căn dặn của bác Tổng Bí thư: “Bác Hồ đã nói, non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai được với cường quốc năm châu được hay không là trông cậy ở các cháu. Các cháu gắn liền với các thầy, “không thầy đố mày làm nên”, nên thầy và trò phải gắn bó với nhau".

IMG_0412.JPG
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh Bác Hồ cho học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017-2018.

"Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ"

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến giáo dục và sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ nói chung. Tổng Bí thư cũng từng đánh giá “mặc dù nền giáo dục của chúng ta vẫn còn những hạn chế, xã hội vẫn còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.

Trong buổi gặp mặt các học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Từ một số đất nước hơn 90% người dân mù chữ đến nay trong tổng số 94 triệu dân có 24 triệu người đi học. Có nghĩa là cứ 4 người dân lại có một người đi học, không chỉ có học sinh, sinh viên mà người lớn cũng đi học rất nhiều.

Trong số 1.000 trường đại học nổi tiếng trên thế giới, Việt Nam đóng góp 2 trường. Trình độ của học sinh, sinh viên bây giờ khác xa ngày xưa, điều kiện trường lớp cũng ngày càng phát triển, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự nghiệp giáo dục của chúng ta đang phát triển rất mạnh và có triển vọng rất tốt.

Nhưng bên cạnh động viên thầy và trò nỗ lực trong sự nghiệp đổi mới giáo dục thì điều mà Tổng Bí thư nhắc nhiều nhất, đó là phải đặc biệt lưu ý tới việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho học sinh, sinh viên. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết.

Tổng Bí thư đề nghị ngành Giáo dục chú ý thêm về các mặt giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, trước hết là từ cách ăn, ở, đối nhân xử thế hàng ngày với anh em, bạn bè tới trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang cái tài của mình ra phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để xây dựng nền giáo dục của nước ta ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vùng đất ngập nước nhân tạo với những hòn đảo nhỏ tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Turenscape

'Thành phố xốp' chống lũ lụt

GD&TĐ - Nhiều dự án ở Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 70 thành phố đã triển khai các sáng kiến thành phố xốp.