Voodoo: Zombie đời thực

GD&TĐ - Nếu xếp hạng quái vật chiếm lĩnh màn ảnh, kẻ đứng đầu hẳn là thây ma (zombie).

Tại Haiti, các hội kín và nghi lễ Voodoo vẫn tiến hành tạo thây ma sống.
Tại Haiti, các hội kín và nghi lễ Voodoo vẫn tiến hành tạo thây ma sống.

Mỗi biên kịch đều nỗ lực sáng tạo ra “nguồn gốc thây ma” và ít nhiều gì cũng tìm hiểu Voodoo, tín ngưỡng có khả năng biến người sống thành zombie ở Haiti (Caribe).

Tuy không rõ Haiti hiện có bao nhiêu thây ma, nhưng giới mafia Haiti thì hét giá 2.000 USD/zombie (tương đương 46 triệu đồng).

Tôn giáo thiểu số

Voodoo thuộc tín ngưỡng của người gốc Phi. Vào năm 1492, Haiti bị Tây Ban Nha xâm lược, giết sạch các tộc người bản địa. Năm 1503, linh mục Bartholomeo de las Casas (Tây Ban Nha) gợi ý nên đưa nô lệ từ châu Phi đến Haiti, đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp.

Sau thực dân Tây Ban Nha, Pháp tiếp nối đem nô lệ châu Phi tới, cưỡng bức lao động trên các đồn điền. Dần dà, Haiti biến thành vùng đất của người gốc Phi. Năm 1801, các nô lệ gốc Phi nổi dậy, chống lại sự áp bức của chủ da trắng. Năm 1804, họ thành công giành chủ quyền, xây dựng Vương quốc Haiti độc lập tự xưng.

Ngày nay, Haiti là nước cộng hòa da đen Vùng Caribe. Họ có 95% dân số là người gốc Phi, chỉ 5% là người lai và người da trắng.

Trong Haiti, tôn giáo phổ biến là Công giáo La Mã (chiếm 80% dân số) và Tin lành (16%). Khoảng 1% dân số Haiti vô thần, 3% theo các tôn giáo khác. Voodoo nằm trong số 3%. Nó tôn thờ Iwa (linh hồn), khao khát bị linh hồn chiếm hữu.

Lãnh đạo Voodoo là houngan và bokor (các pháp sư kiêm thầy thuốc). Họ phụ trách tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng, cứu người, chữa bệnh. Riêng các bokor thì đặc biệt thực hiện makanda - biến người sống thành thây ma phục tùng mệnh lệnh.

4 bước zombie hóa

97% dân số Haiti tin vào Voodoo, e sợ bị biến thành zombie.
97% dân số Haiti tin vào Voodoo, e sợ bị biến thành zombie. 

Nếu phần lớn các tôn giáo đều hướng thiện - diệt ác, thì Voodoo bao dung cả hai. Bất kể tín đồ ra thỉnh nguyện tốt hay xấu, bokor đều tiếp nhận.

Makanda là sự nguyền rủa tàn bạo nhất. Nó được ghi nhận từ cuộc chiến giành lại quyền tự chủ của người gốc Phi (1801 – 1804). Các chiến binh gốc Phi dùng makanda đầu độc sát hại hoặc biến thực dân da trắng thành thây ma, lạm dụng  vĩnh viễn.

Tính đến nay, Haiti đã chấm dứt chế độ nô lệ ngoài 200 năm. Sau nhiều nỗ lực, thế giới cuối cùng cũng giải mã được makanda. Nó bao gồm 4 giai đoạn.

Bước 1 là tiếp đón người yêu cầu makanda. Họ thường là cá nhân bị xúc phạm, muốn trả thù. Trong bokor có phân cấp cao, thấp. Khi hay chuyện, họ tập trung thảo luận, đánh giá mức độ nghiêm trọng và ra quyết định cuối cùng. Nếu nhận lời, họ thu thập nguyên liệu và điều chế thuốc zombie hóa.

Công thức thuốc biến zombie được giữ bí mật tuyệt đối, nhưng tiết lộ một số thành phần. Chúng bao gồm bột ếch khô, xương người chết, dằm cây thường xuân… đặc biệt cần nọc độc của cá nóc.

Bước 2 là hạ độc. Đối tượng bị makanda uống trúng thuốc zombie liền co giật, đau bụng dữ dội và tê liệt thần kinh. Nọc độc cá nóc tấn công não, gây chết lâm sàng.

Gia quyến người bị hạ độc không hề biết thân nhân chỉ chết giả, tổ chức đám tang. Suốt quá trình, người chết giả nhận thức rõ mọi sự đang diễn ra, nhưng không thể động đậy hay lên tiếng. Vì thuốc zombie có tác dụng làm chậm quá trình trao đổi chất, họ tiếp tục sống trong quan tài thêm cả tuần.

Bước 3 là đánh thức. Sau vài ngày đến 1 tuần, bokor đào mộ, trộm thân thể kẻ bị hạ độc ra ngoài. Khoảng thời gian chôn sống này làm não tổn thương nghiêm trọng, gây mất ý thức. Trong y học, hiện tượng mất ý thức sau tổn thương não được gọi là chứng phân liệt catatonic (catatonic schizophrenia). Nó có thể chữa được.

Bước 4 là nô lệ hóa. Người bị makanda tuân thủ mọi sai khiến từ bokor, được duy trì sự sống bằng thức ăn không muối. Chỉ khi kẻ điều khiển tử vong, thây ma mới từ từ lấy lại ý thức.

Ngoài vòng pháp luật

Tranh vẽ thây ma đời thực ở Haiti của họa sĩ Jean-noël Lafargue (Pháp).
Tranh vẽ thây ma đời thực ở Haiti của họa sĩ Jean-noël Lafargue (Pháp).

Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Voodoo Haiti bắt nguồn từ tôn giáo cổ châu Phi cùng tên, có niên đại 7.000 năm. Trên lĩnh vực pháp lý, zombie hóa là hành vi bạo lực, vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, tại Haiti, các nhà chức trách không chỉ không áp luật, mà còn hiếu kỳ tìm hiểu makanda, thăm hỏi houngan và bokor.

Nhà dân tộc học Alfred Metraux (Thụy Sỹ) nhận định, nguyên nhân sâu xa của sự bỏ qua này là nỗi sợ hãi. Mọi người khiếp đảm kiểu trả thù bằng zombie hóa, không dám thách thức.

Học giả quan tâm nhất tới Voodoo có lẽ là Juan Jose Revenga (Tây Ban Nha, 1959). Ông lang thang khắp châu Phi tìm hiểu gốc rễ tín ngưỡng này, từng có mặt trong buổi nghi lễ đáng nhớ ở làng Jebe, Haiti.

Qua thực địa, Revenga xác nhận Voodoo tín niệm Iwa gồm 2 phần: Gros-bon-ange và Ti-bon-ange. Mỗi năm, cộng đồng và tín đồ Voodoo tổ chức đại lễ 1 lần. Họ dâng đồ ăn, thức uống, hiến tế động vật cho Iwa.

Tuy Công giáo và Tin lành chiếm 96% dân số Haiti, tỷ lệ người Haiti tin vào Voodoo là 97%. Ngoài phụ trách đời sống tín ngưỡng, các houngan và bokor còn đóng vai trò y bác sĩ, được toàn dân Haiti tin tưởng.

Bất chấp thời gian, Voodoo Haiti không có dấu hiệu tàn lụi. Các khía cạnh khác nhau của nó tiếp tục phát triển mạnh trong xã hội, bám rễ sâu và ngoài sự can thiệp của chính quyền. Makanda âm thầm tồn tại, là một phần của hội kín và nghi lễ Voodoo. Nó vừa gieo rắc nỗi sợ hãi, vừa khơi gợi cảm hứng mãnh liệt cho thể loại kinh dị.

Các “mafia Haiti” cũng “đục nước béo cò”, trắng trợn hét giá 2.000 USD/zombie. Chỉ cần thanh toán đủ, gia quyến có người bị makanda được thuận lợi cứu thân nhân về.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ