Tin độc trên Facebook

GD&TĐ - Facebook công bố báo cáo cho biết, nhiều thông tin giả về vắc-xin chống Covid-19 đang được đưa lên Internet, lan truyền qua mạng xã hội và được khuếch đại bởi những người nổi tiếng với những khán giả có sẵn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Facebook đã có động thái xóa bỏ tin giả trên hệ thống của họ nhưng vẫn chưa đủ, trong khi các chuyên gia cáo buộc rằng tin giả lan truyền trên Facebook và mạng xã hội đã làm tổn hại việc phòng chống Covid-19 và tiêm vắc-xin.

Hôm 10/8, Facebook công bố báo cáo cho biết, nhiều thông tin giả về vắc-xin chống Covid-19 đang được đưa lên Internet, lan truyền qua mạng xã hội và được khuếch đại bởi những người nổi tiếng với những khán giả có sẵn.

Đáp lại, Facebook đã đóng hơn 300 tài khoản Facebook và Instagram, và cấm một công ty tiếp thị Nga có tên Fazze với cáo buộc công ty này tuyển những người nổi tiếng để lan truyền tin giả.

Một nghiên cứu của Anh và Mỹ hồi tháng 5 cho biết, việc bị “phơi nhiễm” tin giả trên mạng về vắc-xin Covid-19 đã làm giảm số người muốn tiêm vắc-xin và làm tăng số người không muốn tiêm.

Từ hơn một năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, ngoài đại dịch Covid-19 còn có “đại dịch thông tin” liên quan đến Covid -19.

Các chuyên gia của WHO đã làm việc với các công ty tìm kiếm và truyền thông như Facebook, Google, Pinterest, Tencent, Twitter, TikTok, YouTube… để chống lại tin đồn, tin giả, như kiểu những thông tin virus không thể sống sót trong thời tiết nóng, uống ký ninh liều cao có thể bảo vệ người dân, hay là dùng lượng gừng tỏi lớn có thể ngăn ngừa virus.

Kết quả là, các công ty này đã lọc những “lời khuyên” vô căn cứ, những tin giả có thể nguy hại cho sức khỏe công chúng, nhưng những gì họ làm vẫn chưa đủ.

Cuối tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác đang phạm tội “giết người” khi cho phép tin giả về Covid-19 và vắc-xin lan truyền rộng rãi, tuy nhiên sau đó ông Biden có sửa lại một chút bằng cách chỉ trích các tài khoản lan truyền tin giả.

Facebook cho biết, họ cam kết xóa bỏ tin giả từ khi bắt đầu dịch và đã xóa bỏ hơn 18 triệu mẩu tin giả về Covid-19 tới nay và ngăn chặn sự lan truyền của 167 triệu mẩu tin mà bộ phận kiểm tra dữ kiện của họ cho là không chính xác.

Song, các nhà nghiên cứu về tin giả cho rằng, số tin giả Facebook xóa bỏ vẫn không mang tính thông tin như số lượng những tin đã được đăng lên mạng xã hội này, hoặc trong các nhóm, các trang mà mọi người chứng kiến sự lan truyền của tin giả.

New York Times dẫn lời Imran Ahmed, Giám đốc điều hành Trung tâm Chống sự thù ghét bằng thông tin số, một tổ chức phi lợi nhuận chống tin giả cho rằng, Facebook cần công bố các “hộp đen” về cách thức họ xếp hạng nội dung và cấu trúc khuếch đại thông tin để chính phủ Mỹ và các nhà nghiên cứu độc lập kiểm tra. “Chúng ta không biết bao nhiêu người Mỹ đã bị nhiễm tin giả”, ông nói.

Sau cáo buộc của ông Biden, Media Matters for America – một tổ chức theo dõi công nghệ tự do đã công bố nghiên cứu của họ cho biết, họ tìm thấy 284 nhóm Facebook công và tư đang hoạt động và gieo rắc tin giả về vắc-xin, nhiều gấp đôi con số tìm thấy hồi tháng Tư.

Các nhóm này có tới nửa triệu người dùng, lan truyền vô số những bài đăng chứa thuyết âm mưu, như cho rằng, các vắc-xin là một phần của một thử nghiệm bí mật đang diễn ra, hay kêu gọi mọi người không tiêm vắc-xin.

Theo trang Mediatel của Anh, Dự án “An ninh mạng vì Dân chủ” của Đại học New York đã theo dõi thông tin thất thiệt trên Facebook.

Damon McCoy, một trong những người tham gia dự án, nói rằng tin giả trên Facebook về Covid-19 và vắc-xin thực sự đã phải trả giá bằng sinh mạng.

McCoy nói: “Thật đáng xấu hổ khi Facebook cố gắng dập tắt các nghiên cứu hợp pháp đang thông báo cho công chúng về thông tin sai lệch trên nền tảng của mình”.

Mặc dù phải trả những khoản phạt khổng lồ vì lan truyền tin giả, độc quyền thông tin, nhưng Facebook vẫn tăng trưởng mạnh và hiện tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2016 trở lại đây. Doanh thu quý hai năm nay của Facebook đạt mức kỷ lục là 29 tỷ USD, lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,39 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ