Sự thật về số phận công chúa cuối cùng của nước Nga

GD&TĐ -Khi nghĩ về những nhân vật nổi tiếng của Nga trong suốt chiều dài lịch sử, có lẽ Vadimir Ilyich Lenin, Vladimir Putin,... sẽ xuất hiện trước tiên trong đầu bạn, chứ không phải là cô gái 17 tuổi Anastasia Romanov.

Công chúa Anastasia (trái) và kẻ mạo danh Anna Anderson.
Công chúa Anastasia (trái) và kẻ mạo danh Anna Anderson.

Tuy nhiên, số phận của nữ công tước trẻ tuổi này đã ám ảnh tâm trí nhiều người dân Nga, sau cái chết bi thảm của cô. 

Bị lưu đày

Anastasia Romanov ra đời vào ngày 18/6/1901, là con gái út của Sa hoàng Nicholas II, hoàng đế cuối cùng của nước Nga. Vương triều Romanov đã nắm quyền từ đầu những năm 1600, nhưng vào thời điểm Anastasia sinh ra, người dân Nga đã bắt đầu có thái độ coi thường chính phủ quý tộc này. Khi lớn lên, Anastasia vừa là thiên tài, vừa là kẻ nghịch ngợm; vừa gây rắc rối vừa truyền cảm hứng cho những người xung quanh. 

Lúc đầu, Sa hoàng và hoàng hậu thất vọng vì đã sinh ra một cô con gái nữa, bởi họ mong muốn có một đứa con trai để làm người nối ngôi nên đối xử với cô có phần lạnh nhạt. Tuy nhiên, sau khi em trai cô, Alexei ra đời, họ bắt đầu yêu mến Anastasia. Cùng với các anh chị em của mình - ba chị gái và một em trai - Anastasia có tuổi thơ khá bình thường. Cô nhận được sự giáo dục sâu rộng về mặt tôn giáo và đọc viết tiếng Nga từ mẹ cùng một gia sư Thụy Sĩ, người đã nhận ra Anastasia là một đứa trẻ thông minh, hóm hỉnh. 

Trong khoảng thời gian diễn ra Thế chiến I, căng thẳng ở Nga lên cao. Những người thuộc hoàng gia Romanov phải đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng từ chính người dân của họ. Nhân dân cho rằng, gia đình Romanov phải chịu trách nhiệm về những rắc rối về mặt quân sự và kinh tế của nước Nga. Với cuộc nội chiến ở Nga sắp diễn ra đến nơi, Nicholas II thừa nhận ông đã không chuẩn bị đầy đủ để lãnh đạo với tư cách là người cai trị trong tình huống này và tuyên bố từ bỏ ngai vàng. Sự thoái vị của ông đã được chấp nhận nhưng cả nhà ông bị quản thúc và bị đày đến dãy núi Ural. Tuy nhiên, người dân Nga vẫn phẫn nộ và căm thù đối với nhà Romanov, họ muốn loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của hoàng gia trên đất nước này.

Nhà Romanov đã sống trong điều kiện cực kỳ gian khổ khi bị lưu đày. Họ phải chen chúc trong một ngôi nhà 5 phòng ở thành phố Yekaterinburg nhỏ bé. Anastasia và các anh chị em của cô không thể ra ngoài chạy nhảy, chơi đùa hay hít thở không khí trong lành vào ban ngày. Không lâu sau khi Nicholas II thoái vị, một nhóm mới xuất hiện: Những người Bolshevik. Mặc dù giành thắng lợi nhưng dường như họ cũng hiểu rằng ảnh hưởng của hoàng gia Romanov vẫn chưa hết. Ngoài ra, tại nơi lưu đày, những đứa trẻ nghịch ngợm của nhà Romanov thường xuyên thò đầu ra ngoài cửa sổ và không tuân theo mệnh lệnh của lính canh, khiến những người canh giữ sợ chúng tìm cách trốn thoát. 

Vào đêm 16/7/1918, gia đình Romanov và những người hầu được đánh thức sau giấc ngủ yên tĩnh rồi bị đưa xuống tầng hầm. Tại đây, họ bị tuyên án tử hình. Và cuộc hành hình diễn ra ngay sau đó. Mặc dù vậy, sau sự kiện bi thảm này, nhiều người vẫn đặt vấn đề, liệu cả gia đình họ đều chết thảm, hay còn ai sống sót, đặc biệt là số phận của Anastasia và Alexei ra sao? Từ đây, câu chuyện của công chúa nước Nga từ một bi kịch trở thành bí ẩn lịch sử. 

Kẻ mạo danh công chúa

Công chúa Anastasia Romanov.
Công chúa Anastasia Romanov.

Sau khi vụ hành hình nhà Romanov lan truyền ra ngoài, một số người cho rằng Anastasia và Alexei đã sống sót nhờ những món trang sức mà người mẹ may vào quần áo của chúng làm lệch hướng những viên đạn bắn vào. Từ những tin đồn này, không lâu sau đó, một số cô gái Nga đã tự nhận mình là nữ Công tước Anastasia. Hầu hết, trong số họ dường như đang dòm ngó khối tài sản kếch xù của nhà Romanov để lại. 

Nổi tiếng nhất trong số những kẻ mạo danh trên là một cô gái Nga tên là Anna Anderson, từng gặp rắc rối trong cuộc sống, tìm cách tự tử và bị nhốt trong một viện tâm thần vài tháng trong năm 1920, sau khi nhảy từ một cây cầu xuống. Do vết sẹo trên cơ thể và thái độ hoang mang lo lắng của Anna, bệnh nhân và nhân viên bệnh viện bắt đầu lan truyền tin đồn rằng, Anna thực sự là Anastasia. Ban đầu Anna không muốn thừa nhận thông tin này, nhưng qua nhiều năm, cô gái bắt đầu mang ảo tưởng và chấp nhận vai diễn nàng công chúa Anastasia mất tích.

Sau khi xuất viện, Anna tìm được sự cứu giúp từ một số người quen cũ của nhà Romanov, họ đã cung cấp thức ăn, chỗ ở và tư vấn pháp lý cho cô. Dường như hiểu được tầm quan trọng của di sản hoàng gia, Anna liên tục có mặt ở tòa án để đòi hỏi quyền thừa kế tài sản của Romanov, nhất định cho rằng, mình may mắn thoát chết trong vụ hành quyết đau thương. Tuy nhiên, tòa án cuối cùng đã từ chối bất kỳ quyền thừa kế nào của Annado không có đủ cơ sở để chứng minh cô ta là Anastasia. 

Năm 1984, Anna Anderson - người tự nhận là công chúa Anastasia, đã trút hơi thở cuối cùng ở Charlottesville, Virginia, Mỹ. Năm 1990, một ngôi mộ được khai quật, cho thấy 8 thi thể của các thành viên trong gia đình Romanov cùng những người hầu, nhưng trong số này không có thi thể của Anastasia và em trai cô. Thế là lại rộ lên tin đồn về sự sống sót của công chúa và hoàng tử cuối cùng của nước Nga. Tuy nhiên, vào năm 2007, một ngôi mộ khác đã được phát hiện gần đó và xét nghiệm pháp y xác nhận đó là thi thể của Anastasia và Alexei. Từ đây, câu chuyện về công chúa cuối cùng của nước Nga và những kẻ mạo danh nàng mới chấm dứt. 

Anastasia Romanov không nhận được sự đối xử đặc biệt nào trong cuộc sống hoàng gia. Các anh chị em cô tắm nước lạnh cóng vào mùa đông, ngủ trên chiếc giường nhỏ và phải làm các công việc vặt xung quanh nơi ở. Tuy nhiên, họ vẫn là một nhóm gắn bó, tôn trọng và đối xử với nhau rất tốt. Thật không may, tuổi thơ của Anastasia bị rút ngắn ở tuổi 17, do cuộc chính biến chống lại gia đình Romanov.
Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ