Gần 3 triệu người chết vì nCov trên thế giới, Campuchia phong tỏa thủ đô

GD&TĐ - Thế giới đã có tới 139.658.595 ca mắc Covid-19 sau khi có thêm 828.973 ca mới vào hôm qua (15/4). Số ca tử vong vì đại dịch hiện là 2.998.743 ca, bao gồm 13.739 ca mới – trang Worldometer cho biết.

Mặc dù dịch bệnh đang rất căng thẳng nhưng người Ấn Độ vẫn tụ tập đông người.
Mặc dù dịch bệnh đang rất căng thẳng nhưng người Ấn Độ vẫn tụ tập đông người.

Tại Pháp, số ca tử vong vì Covid-19 đã vượt 100.000 người và trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 300 ca tử vong.

Pháp là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 8 thế giới, trong khi đó Mỹ có số ca tử vong cao nhất với 564.759 ca, tiếp theo là Brazil, Nga và Mexico. Số ca tử vong vì Covid-19 ở Pháp hiện gần gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái khi nước này kết thúc đợt phong tỏa thứ 2.

Bộ Y tế Pháp cho biết, 5.924 người đang được điều trị tích cực. Trong khi đó chiến dịch tiêm vắc xin ở đây tập trung ở các nhà dưỡng lão và số người cao tuổi tử vong vì Covid-10 đã giảm mạnh từ 1.500 người/tuần vào giữa tháng 12 năm ngoái và 800 người/tuần vào nửa đầu tháng 1/2021 xuống còn 48 người vào tuần trước.

Na Uy quyết định không tiếp tục nhưng cũng không dừng hẳn việc tiêm vắc xin AstraZeneca mặc dù Viện Y tế cộng đồng quốc gia khuyến cáo nên bỏ vắc xin này do lo ngại tác dụng phụ về huyết khối hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.

Na Uy hiện đang thành lập một nhóm chuyên gia đánh giá toàn diện các rủi ro và đệ trình một báo cáo mới vào ngày 10/5 tới. Nước này đã đình chỉ việc sử dụng vắc xin AstraZeneca vào ngày 11/3 do nhiều ca bị đông máu sau tiêm chủng.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Henri Kluge cho biết, mặc dù việc theo dõi phạm vi tiêm chủng Covid-19 là vô cùng quan trọng nhưng cũng rất cần đảm bảo giấy chứng nhận tiêm chủng không làm gia tăng sự bất công.

Theo ông Kluge, WHO hiện đang kiểm tra các khía cạnh chính trị, đạo đức và pháp lý để bất kỳ biện pháp nào được đưa ra cũng không khiến cho sự bất bình đẳng gia tăng. Hiện tại, trong khi vắc xin đang khan hiếm, những người đi lại nhiều sẽ được ưu tiên hơn những người hay tiếp xúc và dễ bị tổn thương nhất.

Hộ chiếu y tế cũng sẽ có mặt tại châu Âu trong 2-3 tháng tới ở dạng kỹ thuật số hoặc giấy.

Tại Campuchia, nhà chức trách phải phong tỏa thủ đô và một thành phố lân cận trong vòng 2 tuần trước đợt bùng phát dịch mới. Theo Khmer Times, Bộ Thông tin Campuchia thông báo Quốc vụ khanh Mao Ayuth đã qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Liên Xô - Khmer vào ngày 15/4 do Covid-19 khi 77 tuổi.

Ấn Độ hôm qua phải phong tỏa 2 thành phố lớn nhất khi số ca mắc Covid-19 lập kỷ lục 200.000 ca mới. 2 bệnh nhân phải chung 1 giường tại một bệnh viện ở Delhi và tại Mumbai, nhà chức trách phải đưa ra giới hạn mới để chống dịch.

Đợt bùng phát dịch mới diễn ra chỉ vài tháng sau khi Ấn Độ tưởng đã trải qua điều tồi tệ nhất của đại dịch. Mặc dù tình hình đang tồi tệ nhưng người dân làng ở Andhra Pradesh vẫn ném phân bò vào nhau trong một lễ hội mang tính tôn giáo.

Những cuộc tụ tập lớn tương tự với hàng ngàn người tham gia cũng xuất hiện ở sông Hằng và đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.

Video lễ hội ném phân bò ở Ấn Độ trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành:

Theo CNA/Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ