Cuộc chuyển giao bất thường

GD&TĐ - Lầu Năm Góc thậm chí còn phá lệ sẽ không tổ chức lễ tiễn biệt cựu Tổng thống dành cho ông Trump. Trong khi đó, các tổng thống tiền nhiệm đều được quân đội tri ân một cách trang trọng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị rời Nhà Trắng vào ngày 21/1 tới, đánh dấu sự chuyển giao chính thức giữa hai chính quyền tại nước này, trong đó xuất hiện hàng loạt những diễn biến chưa từng có so với truyền thống suốt hàng trăm năm qua.

Hình ảnh đầu tiên và dễ nhận thấy nhất về sự bất thường của lễ nhậm chức tổng thống mới tại Mỹ năm nay là bầu không khí căng thẳng như thời chiến tại thủ đô Washington. Các lớp hàng rào được dựng lên khắp nơi vây kín khu vực Đồi Capitol, nơi tân Tổng thống Joe Biden sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. 

Đặc biệt, khoảng 25 nghìn Vệ binh Quốc gia đã được phê duyệt điều động khẩn cấp về Washington để hỗ trợ lực lượng mật vụ bảo đảm an ninh. Đây là con số lớn hơn nhiều so với 8 nghìn binh sĩ được triển khai trong lễ nhậm chức của ông Trump 4 năm trước. Sự hiện diện dày đặc của lực lượng này là do an ninh bị đe dọa sau vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1.

Tất cả các tòa nhà chính phủ quan trọng tại Washington đều được vây kín bằng hàng rào dây thép gai và lực lượng Vệ binh Quốc gia từ vài ngày trước lễ nhậm chức. Các chốt kiểm soát xuất hiện khắp nơi và sự chuẩn bị chưa từng có này là điều dễ hiểu vì những nghi phạm mang súng đang chuẩn bị đi biểu tình liên tục bị phát hiện.

Bên cạnh đó là một loạt sự kiện khác đang diễn ra trái với truyền thống chuyển giao. Tổng thống mãn nhiệm sẽ không có mặt tại lễ nhậm chức của tân Tổng thống, điều chưa từng có trong hơn 150 năm qua. Do đó, hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự chuyển giao hòa bình là vợ chồng cựu Tổng thống lên trực thăng rời Đồi Capitol trong cái vẫy tay tạm biệt của vợ chồng ông chủ mới của Nhà Trắng cũng sẽ không xuất hiện.

Theo các nguồn tin Nhà Trắng, ông Trump muốn tổ chức một buổi lễ rời Nhà Trắng hoành tráng theo kiểu quân đội và có sự tham dự của đám đông người ủng hộ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã thẳng thừng tuyên bố không chuẩn bị cho một nghi lễ như vậy.

Mọi thứ dường như quay lưng với ông Trump đã phần nào phản ánh tỷ lệ ủng hộ ông chạm đáy vào những ngày cuối nhiệm kỳ. Một cuộc thăm dò do CNN thực hiện cho thấy, có tới 54% người tham gia khảo sát cho rằng ông nên bị phế truất trước khi mãn nhiệm. Có 41% đánh giá nhiệm kỳ của ông Trump thành công, so với ông Obama khi mãn nhiệm 4 năm trước được 66% ý kiến tương tự.

Chính quyền mới tại Mỹ cũng sẽ không có sự kế thừa nào đáng kể từ chính quyền cũ. Một trong những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Joe Biden ngay khi nhậm chức sẽ là ký một loạt các sắc lệnh hành pháp đảo ngược lại thời Tổng thống Trump, như tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và hủy lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia Hồi giáo.

Còn đối với ông Trump, trong ngày cuối cùng ngồi ghế Tổng thống Mỹ ông sẽ ký lệnh ân xá cho khoảng 100 người. Danh sách những người được tha tội hoặc giảm án này được chốt hôm 17/1 và không bao gồm bản thân Tổng thống Donald Trump và các thành viên trong gia đình như đồn đoán. Đây được coi là những quyết định dễ thực hiện nhất của ông trước khi rời Nhà Trắng trước buổi trưa ngày 21/1, kết thúc những năm tháng cầm quyền sóng gió đến phút cuối cùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.