Biểu tình quanh Dự luật dẫn độ Hồng Kông: Vẫn chưa hạ nhiệt

GD&TĐ - Cuối tuần qua, hàng trăm nghìn người lại tiếp tục xuống đường ở Hồng Kông để phản đối Dự luật dẫn độ gây tranh cãi, bất chấp các nỗ lực nhằm ổn định tình hình của chính quyền.

Hàng trăm nghìn người biểu tình mặc đồ đen tham gia một cuộc biểu tình mới chống lại một đề xuất luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hồng Kông vào cuối tuần qua
Hàng trăm nghìn người biểu tình mặc đồ đen tham gia một cuộc biểu tình mới chống lại một đề xuất luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hồng Kông vào cuối tuần qua

“Điểm nóng” cuối tuần

Các nhà tổ chức tuần hành cho biết khoảng 2 triệu người đã tham gia, một sự gia tăng đáng kể so với tuần trước con số hơn 1 triệu người tuần trước. Trong khi đó, cảnh sát cho biết có khoảng 339.000 người tham gia vào Chủ nhật vừa qua.

Một số lượng lớn người biểu tình đã tập trung tại Công viên Victoria, mặc đồ đen và đeo ruy băng trắng trên ngực. Vào thứ Bảy, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) cho biết: Hồng Kông sẽ tạm dừng việc thông qua dự luật và lần nghiên cứu dự luật thứ hai dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này đã bị hủy bỏ. Bà Lâm không đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc tiếp tục thảo luận dự luật. Theo bà, có khả năng dự luật sẽ không được thông qua trong năm nay.

Mặc dù Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, nhưng khu vực lãnh thổ này có một hệ thống pháp lý khác - một khái niệm được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống”.

 

Đối mặt với những phản đối trong dự luật, bà Lâm đã đưa ra một lời xin lỗi hiếm hoi và thừa nhận “thiếu sót” trong công việc của đặc khu đã dẫn đến “những tranh cãi và tranh chấp đáng kể trong xã hội”, gây thất vọng cho người dân Hồng Kông .

Nhưng đối với những người biểu tình, lời xin lỗi chưa đủ. Họ e rằng dự luật có thể được sử dụng để dẫn độ cư dân đến Trung Quốc đại lục vì các vi phạm kinh doanh hay chính trị do vô ý và phản ứng của họ nhằm hoàn toàn hoãn lại dự luận này.

Thoạt đầu, cuộc tuần hành do những giới trẻ khởi xướng, sau đó, các gia đình nhanh chóng tham gia. Đám đông tràn ngập quãng đường từ Công viên Victoria qua khu vực trung tâm thành phố đến Đại lộ Tim Mei. Khoảng 5.000 cảnh sát chống bạo động đã bắn 150 viên đạn hơi cay và đạn cao su trong cuộc đụng độ tuần trước, khi hàng chục nghìn người vây quanh trụ sở chính quyền thành phố, buộc các nhà lập pháp phải hoãn cuộc tranh luận về dự luật.

Không bạo lực

Theo ước tính, số lượng đạn can hơi cay được sử dụng lần này gần gấp đôi trong Phong trào Chiếc ô dân chủ năm 2014, khi thành phố bị khóa chặt trong 79 ngày. Video từ cuộc biểu tình hôm thứ Tư cho thấy cảnh sát phun hơi cay trực tiếp vào mặt người biểu tình và trấn áp họ bằng dùi cui.

Lần này, sự hiện diện của cảnh sát trên các khu vực có người tuần hành khá lặng lẽ, nếu không nói là gần như vô hình. Những người tổ chức biểu tình hôm thứ Bảy vừa qua đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông giảm các cáo buộc chống lại 11 người bị bắt trong các cuộc biểu tình hôm thứ Tư tuần trước, trong bối cảnh các chiến thuật của cảnh sát đang bị chỉ trích nặng nề.

Phát biểu sau cuộc họp báo của bà Lâm hôm thứ Bảy, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Claudia Mo nói rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục trên toàn thành phố cho đến khi bà Lâm chịu từ chức. “Nếu bà Lâm không từ chức và loại bỏ hoàn toàn dự luật gây tranh cãi này, chúng tôi sẽ không rút lui. Nếu bà tiếp tục, thì chúng tôi cũng tiếp tục”, ông Mo nói. “Đối với người dân Hồng Kông, bà Carrie Lâm đã mất hết uy tín. Bà ấy phải từ chức”.

Trước khi trở thành Trưởng Đặc khu hành chính vào năm 2017, bà Lâm cho biết sẽ từ chức “nếu ý kiến chính thống khiến tôi không còn có thể tiếp tục công việc”.

Những lo ngại pháp lý

Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), người tổ chức cuộc biểu tình gần đây nhất, cũng đưa ra tuyên bố: Người dân Hồng Kông sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi chính quyền Hông Kông rút toàn bộ dự luật dẫn độ, cũng như rút lại quy kết các cuộc biểu tình hôm thứ Tư là “Bạo loạn”, phóng thích những người biểu tình bị bắt và rút lại tất cả các cáo buộc. “Nếu lãnh đạo chính quyền từ chối trả lời, thì sẽ có nhiều người Hồng Kông đình công hơn nữa”, CHRF nói.

Trong sáng thứ Hai, vẫn có hàng trăm người tụ tập trên các tuyến phố và đối thoại với cảnh sát trên đường Harcourt bên ngoài Hội đồng Lập pháp. Tuy nhiên, cảnh sát không mặc đồ chống bạo động vài ngày trước và lùi lại khi những người biểu tình từ chối rời khỏi con đường.

Các nhân vật ủng hộ dân chủ cho biết dự luật mà bà Lâm ủng hộ sẽ dẫn đến nguy cơ xói mòn các quyền dân sự ở Hồng Kông. “Chúng tôi e ngại việc Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố đại lục, không còn có luật pháp, quyền tự chủ của riêng mình”, nhà lập pháp Fernando Cheung cho biết.

Bà Lâm luôn nhấn mạnh rằng dự luật là cần thiết để bảo đảm rằng Hồng Kông không trở thành nơi ẩn náu cho những kẻ chạy trốn khỏi công lý ở Trung Quốc đại lục. Hội đồng lập pháp của Hồng Kông dự kiến sẽ có kỳ nghỉ hè vào ngày 20/7, trước khi bắt đầu làm việc lại vào tháng 10 tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ