Báo cáo mới nhất mang tính bao quát của WB cho biết tình hình nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực Nam Á và châu Phi, nơi có hơn 40% phụ nữ từng là nạn nhân của hành động bạo lực gia đình.
Tình trạng bị bạo hành cùng với những thua thiệt mang tính hệ thống mà phụ nữ phải chịu đựng đang là những nhân tố quan trọng cản trở sự tiến bộ và khiến hàng trăm triệu phụ nữ rơi vào cảnh đói nghèo.
Báo cáo cũng cho rằng trao quyền hợp pháp cho phụ nữ và dỡ bỏ những rào cản về luật pháp và xã hội đối với sự phát triển của họ sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nhóm trong xã hội.
Báo cáo cũng miêu tả nhiều cách mà theo đó phụ nữ trên toàn thế giới bị phủ nhận "năng lực" - khả năng vượt lên hoàn cảnh của họ bằng chính nỗ lực của bản thân.
Ngoài tình trạng bị bạo hành trong gia đình, phụ nữ còn ít có cơ hội sở hữu đất đai; ở một vài quốc gia phụ nữ còn không thể ra khỏi nhà nếu không được phép.
Báo cáo cũng cho biết ảnh hưởng của việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên - cũng là một hình thức gây ra sự hạn chế năng lực của phụ nữ - đang ngày càng nghiêm trọng.
Khoảng 20% số trẻ em gái tại các nước đang phát triển mang thai trước năm 18 tuổi và nếu đánh giá trên cơ sở tài chính thì vấn đề này khiến GDP của Trung Quốc giảm 1%, còn GDP của Uganda giảm 30%.
Báo cáo chỉ ra rằng những thành quả đạt được trong giáo dục đã chứng minh được rằng các quy phạm xã hội có thể thay đổi bởi sức ép và sự khuyến khích, đồng thời cũng cho thấy năng lực có thể giúp cải thiện cuộc sống.
Trên toàn cầu, tỷ lệ chênh lệch giữa trẻ em trai và trẻ em gái được đến trường chỉ còn 3% khi mà thống kê tại các trường trung học cơ sở có 69% học sinh nữ so với 72 % học sinh nam.
Báo cáo còn lưu ý, tại Bangladesh, việc ngày càng nhiều phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế trong gia đinh có thể giải thích cho lý do hiện nay cha mẹ chú ý đến việc cho cả con trai và con gái đến trường đi học.
Báo cáo nhấn mạnh tăng cường tiếng nói của phụ nữ cũng như năng lực của họ có thể mang lại những lợi ích to lớn cho chính phụ nữ cũng như cho gia đình họ, cộng đồng và xã hội.