Ông C. đang trò chuyện với bác sĩ Định sau hơn 3 tuần được thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI), theo ông, trước đây ông không thể ngồi lâu và trò chuyện thoải mái được như vậy. Ảnh: Quốc Ngọc
Theo bác sĩ Định, so với cách mổ hở truyền thống, kỹ thuật mới TAVI trong điều trị van thoái hóa, hẹp van tim… giúp cho bệnh nhân tránh được nhiều tai biến trong và sau phẫu thuật. Thời gian phục hồi của bệnh nhân cũng nhanh hơn, phù hợp với những bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng kém.
Hai bệnh nhân đầu tiên được áp dụng kỹ thuật mới này là ông Trần Sỹ C. (81 tuổi, ngụ TPHCM) và bà Lê Thị K. (78 tuổi, ngụ Gia Lai). Cả hai bệnh nhân đều bị hẹp van động mạch chủ nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nếu không được điều trị kịp thời, họ có thể tử vong sau 2-3 năm kể từ khi phát hiện các triệu chứng hẹp van tim. Các bác sĩ đã chỉ định can thiệp thay van tim và quyết định dùng phương pháp TAVI cho 2 bệnh nhân.
Ông C. và bà K. cùng được thay van động mạch chủ qua ống thông vào ngày 30/12/2015. Chỉ trong chiều cùng ngày, ông C. đã tỉnh, tiếp xúc tốt, mọi dấu hiệu hoạt động của tim qua siêu âm, điện tim đều trở về mức bình thường. Sau khi ra khỏi phòng hồi tỉnh, ông có thể đi dạo ngoài hành lang bệnh viện. Tương tự, bà K. cũng hồi tỉnh ngay trong buổi tối cùng ngày, sức khỏe ổn định.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, chi phí cho một ca can thiệp bằng kỹ thuật TAVI nói trên là hơn 800 triệu đồng. Do chi phí dụng cụ quá cao, nên số lượng bệnh nhân được thực hiện thay van động mạch chủ qua ống thông chưa nhiều.