Thay đổi “chiến thuật” tấn công Covid-19 tại Bắc Giang

GD&TĐ - Lực lượng y tế tại Bắc Giang sẽ chia thành các nhóm nhỏ đến từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh và sàng lọc người có nguy cơ cao.

Công tác test nhanh được triển khai vào sáng 26/5. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Công tác test nhanh được triển khai vào sáng 26/5. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, việc để F1 cách ly tại nhà là điều cần thiết, nhằm tránh lây nhiễm chéo và tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Thay đổi “chiến thuật”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang sẽ diễn tiến phức tạp trong những ngày tới. Đồng thời, tiếp tục ghi nhận nhiều bệnh nhân hơn, trong khi dịch chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Bộ trưởng Long cho biết, các ca bệnh này ở trong khu vực phong tỏa, nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng không lớn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn sự lây lan trong khu công nghiệp là điều vô cùng quan trọng với Bắc Giang.

Bộ trưởng Long nhấn mạnh, đây là lý do ngành Y tế đã đưa ra kịch bản 3.000 người nhiễm. “Tới đây sẽ tiếp tục cập nhật nguy cơ lây nhiễm cao hơn”, lãnh đạo ngành Y tế cho biết.

Sáng 26/5, lực lượng y tế gồm hơn 400 người đã ra quân triển khai công tác xét nghiệm nhanh cho gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 điểm nóng nhất về dịch Covid-19 tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, bao gồm: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng.

Theo đó, lực lượng y tế đã thực hiện công tác test kháng nguyên nhanh, thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR. Nhờ đó, sàng lọc nhanh những người có nguy cơ cao để có phương án tách khỏi cộng đồng.

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá, việc test nhanh định kỳ 3 ngày/1 lần tại những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng… là vô cùng quan trọng.

Qua đó, nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch. Do đó, cần kiên trì thực hiện để có thể dập các ổ dịch.

Nói về cách thức triển khai xét nghiệm nhanh, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, sau khi phát phiếu điền thông tin cho người dân, lực lượng y tế sẽ hỗ trợ chia thành các nhóm nhỏ đến từng nhà để lấy mẫu. Phương pháp xét nghiệm nhanh này sẽ cho kết quả sau 15 phút, với độ chính xác từ 70 - 75%.

Trước đó, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, bình thường trong phòng thí nghiệm, virus cần 3 - 4 ngày để mọc. Tuy nhiên, hiện tại, virus mọc rất nhiều ở ngày thứ 2. Do đó, độ phát tán mầm bệnh rất nhanh.

Bà Quỳnh Mai cho biết, do đã có thông báo cách ly nên có thể thực hiện test nhanh theo từng cụm nhà. Có thể làm mẫu gộp, nên sẽ lấy mẫu bình thường và trộn theo môi trường. Môi trường nào dương tính sẽ xét nghiệm kỹ.

Còn lại, những trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính vẫn làm mẫu gộp để xét nghiệm Realtime RT-PCR. Như vậy, trong một ngày sẽ xét nghiệm được nhiều trường hợp. Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng, nếu triển khai tốt, cần nhân rộng việc thực hiện tự lấy mẫu xét nghiệm.

Nên để F1 cách ly tại nhà?

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trước bối cảnh dịch bùng phát rộng tại Bắc Giang, phương án để các F1 cách ly tại nhà là hợp lý. Bởi, đây là phương pháp ngăn lây nhiễm chéo và tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

“Không phải tất cả những người tiếp xúc gần (F1) đều là bệnh nhân. Có 60% người dương tính với virus Corona không có triệu chứng. Tức là họ vẫn bình thường và có thể lao động, nghiên cứu, làm việc trực tuyến.

Vì vậy, việc đưa tất cả F1 vào cách ly tập trung khi dịch bùng phát trong cộng đồng và địa phương đã giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa là không phù hợp”, chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh sang người lành ở khu cách ly tập trung là rất cao. PGS Nga lý giải, khi có nhiều F1 mang virus tập trung trong không gian hẹp, nồng độ giọt bắn mang virus rơi vào không khí càng cao. Khi người lành sống trong môi trường đó hít thở không khí với tải lượng virus lớn, việc nhiễm bệnh là nghiễm nhiên.

Đặc biệt, những người cao tuổi, có bệnh nền càng dễ bị virus tấn công. Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt, ăn uống, nhiệt độ nóng bức có thể khiến sức khỏe của họ suy kiệt. Trong khi đó, trẻ em trong khu cách ly tập trung cũng dễ bị tổn thương, do cơ chế điều hòa thân nhiệt chưa hoàn chỉnh.

Theo PGS Nga, F1 tự cách ly tại nhà sẽ tránh được lây nhiễm chéo. Đồng thời, có thể tự phục vụ hoặc được phục vụ ăn uống, mua thực phẩm trực tuyến, điều kiện vệ sinh tốt hơn.

Họ cũng sẽ giữ được sự thoải mái về mặt tâm lý trong khi tiếp tục làm việc và theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, Nhà nước sẽ tiết kiệm các chi phí như ăn uống, điện nước, theo dõi sức khỏe, bố trí địa điểm, tổ chức giám sát...

“Việc cách ly tại nhà, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể để các F1 và người nhà thực hiện. Chỉ cần sự tổ chức quản lý phù hợp của chính quyền địa phương nơi F1 cư trú để hướng dẫn gia đình và F1 thực hiện đúng, giám sát, định kỳ lấy mẫu xét nghiệm. Có thể yêu cầu các F1 và gia đình ký cam kết trách nhiệm và thông báo cho cộng đồng biết để tham gia giám sát”, PGS Nga khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.