Thấp thỏm lo sạt lở điểm trường phổ thông dân tộc bán trú ở Na Hang

Sau những cơn mưa, khe nứt trong khuôn viên trường ngày càng mở rộng, trên núi những phiến đá như đang chờ đổ xuống, đoạn kè mới xây dựng cũng không ngăn nổi đất đá như muốn nuốt chửng ngôi trường ở Na Hang, Tuyên Quang.

Điểm trường tiểu học Thượng Nông mặc dù đã được kè nhưng chỉ sau 1 trận mưa lớn đất đá tiếp tục tràn qua, nguy cơ mất an toàn.
Điểm trường tiểu học Thượng Nông mặc dù đã được kè nhưng chỉ sau 1 trận mưa lớn đất đá tiếp tục tràn qua, nguy cơ mất an toàn.

Đó chính là thực tế đang diễn ra tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thượng Nông và điểm trường Tiểu học Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ở hai nơi này có khoảng 500 học sinh cùng các thầy, cô giáo đang học tập, công tác.

Phóng viên TTXVN đến trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thượng Nông, huyện Na Hang, đúng lúc đang có một trận mưa lớn, những dòng nước từ núi chảy xuống tràn qua sân trường, chui vào những vết nứt rồi mất hút. Theo thầy Trần Thanh Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, sạt lở diễn ra từ năm 2007, sau khi tuyến đường ĐT 190 được thi công hạ mặt đường. Lúc đó, toàn bộ phần giáp với tuyến đường bị sụt xuống khoảng 3m, kéo theo móng nhà công vụ đang xây dựng lúc đó. Đến năm 2011, hiện tượng sạt lở tiếp tục xuất hiện, gần đây nhất là năm 2017, vết sụt lún kéo dài hơn 70m, trong đó có đoạn sụt xuống sâu khoảng 2,5m để lộ những vết nứt. Nhà trường đã báo cáo lên xã, huyện nhưng vẫn chưa được di dời đến địa điểm mới.

Gắn bó với trường đã 18 năm, thầy Nguyễn Hồng Quỳnh cho biết, trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thượng Nông có gần 300 học sinh với 21 cán bộ giáo viên đang học tập và công tác. Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, cả thầy và trò đều rất lo lắng.

Đặc biệt, hiện nay trên núi phía sau trường có một tảng đá rất lớn có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường đã chủ động cho các em di chuyển sang dãy nhà khác. Cán bộ, giáo viên của trường mong sớm được di chuyển về địa điểm mới an toàn hơn để yên tâm giảng dạy, học tập.

Chú thích ảnh

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thượng Nông đã xảy ra 3 đợt sụt lún, sau mỗi trận mưa, vết nứt ngày một rõ và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn.

Ngay cạnh trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thượng Nông là điểm Trường tiểu học Thượng Nông với hơn 150 học sinh đang theo học. Sau cơn mưa lớn, ngọn núi phía sau trường chi chít những vết nứt, nước từ trong lòng núi chảy ra đục ngầu tràn vào sân trường. Đất đá từ ngọn núi đang lấn dần qua đoạn kè vừa mới xây dựng trước đó không lâu.

Thầy Lục Văn Việt, Hiệu trưởng điểm trường này cho biết, cuối tháng 8/2017, ngọn núi phía sau trường đã sạt lở, đất tràn vào lớp học. Huyện đã cho xây dựng một đoạn kè bằng đá cao khoảng 2m, tuy nhiên trước tình hình mưa lớn tiếp tục xảy ra, đoạn kè đó không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

Ông Tô Hưng Khánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, trước tình hình sạt lở ở hai điểm trường tại xã Thượng Nông, các phòng chuyên môn của huyện, tỉnh đã kiểm tra, nhận thấy những vết nứt ở nhà trường ngày một rõ và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, do tỉnh chưa có kinh phí, việc bố trí mặt bằng để xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, trước mắt UBND huyện đã yêu cầu nhà trường, UBND xã Thượng Nông tiếp tục theo dõi, chủ động trong công tác phòng tránh sạt lở, nhất là mùa mưa. Về lâu dài, huyện đề nghị cấp trên bố trí nguồn kinh phí để sớm di chuyển các điểm trường về nơi an toàn.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ