Thao túng bảng xếp hạng ứng dụng trên App Store

Không ít các lập trình viên đang làm giả các đánh giá trên chợ ứng dụng App Store nhằm thu hút sự chú ý của người dùng, rồi kiếm lời từ các lượt cài đặt.

Thao túng bảng xếp hạng ứng dụng trên App Store

App Store - kho ứng dụng của Apple dành cho các thiết bị iOS - từ lâu nay đã trở thành nơi cạnh tranh của các lập trình viên trên khắp thế giới.

Với hơn một tỷ thiết bị chạy iOS được bán ra trên thị trường, ứng dụng của lập trình viên nào được nhiều người biết đến và tải về sử dụng, sẽ có cơ hội kiếm tiền rất lớn.

Tuy nhiên, khi mà ngày càng có nhiều lập trình viên tham gia viết ứng dụng cho iOS, thì "mỏ vàng" App Store càng có sự cạnh tranh quyết liệt.

Do đó, các lập trình viên luôn tìm mọi cách để ứng dụng của họ được người dùng chú ý, lọt top bảng xếp hạng. Bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống, không ít lập trình viên đã sử dụng "tiểu xảo" như dưới đây.

Cách đây ít ngày, Simon Pang, tác giả của phần mềm TapCase, đã đăng tải trên Twitter bức ảnh trên, cùng lời đề tựa: "Đây là nguồn gốc của các xếp hạng (ratings) trên App Store, chào mừng bạn đến với hiện thực".

Bức ảnh chụp lại cảnh một người phụ nữ đang ngồi trước hàng tá chiếc iPad. Pang nói rằng cô này được các lập trình viên thuê để viết các đánh giá tốt cho các ứng dụng của họ. Bằng cách giả làm người dùng, công việc hàng ngày của cô là viết hàng loạt các đánh giá tích cực về ứng dụng được thuê.

Khi người dùng truy cập vào ứng dụng đó trên App Store, họ sẽ nhìn thấy hàng loạt bình luận, đánh giá vô cùng khả quan để rồi tải về sử dụng. Cách làm này tương tự như công việc "seeding", trong đó các seeder sẽ làm nhiệm vụ định hướng người dùng đến mặt tích cực của sản phẩm.

Dòng tweet của Simon Pang nhanh chóng có hơn 5.000 lượt đăng lại cùng hàng loạt bình luận khác nhau. Trong số đó, nhận xét của nhà đồng sáng lập Fireproof Games - Barry Meade - là đáng chú ý hơn cả và có thể khiến nhiều người sửng sốt. Ông nói rằng: "Các nhà phát triển có tên tuổi sử dụng những hệ thống kiểu này hàng ngày".

Rõ ràng, kiểu seeding này là một dạng cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên, hiện nay dường như không có một luật lệ nào ngăn cấm các lập trình viên sử dụng nó.

Duy chỉ có hồi cuối năm ngoái, liên minh châu Âu EU đang muốn ban hành một luật nhằm trừng phạt các lập trình viên cố tình gây hiểu nhầm cho người dùng, bằng các thủ thuật lập lờ và ép mua hàng trong ứng dụng (in-app purchase).

Với luật lệ này, các ứng dụng giả mạo rating để lên top, rồi sau đó ép buộc mua hàng trong ứng dụng, mới hết đất sống; lúc đó, tính công bằng của bảng xếp hạng trên App Store mới phần nào được lập lại.

Theo ITC News/ Geek

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ