Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng 3 kịch bản ứng phó thu dung 6.000 ca sốt xuất huyết

GD&TĐ - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa xây dựng kế hoạch đảm bảo thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue theo các kịch bản từ 2.000 đến 6.000 ca tại các bệnh viện để thu dung, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Sở Y tế thành phố ban hành, nhằm chủ động nguồn lực đảm bảo sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 đến 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, TP dự tính chia thành 3 tình huống để ứng phó với dịch sốt xuất huyết:

Tình huống 1 (dưới 300 ca nhập viện mới mỗi ngày, dưới 2.000 ca đang điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện): Tổng quy mô giường bệnh điều trị sốt xuất huyết là 2.405 giường, số giường hồi sức tích cực là 260 giường. Bao gồm 14 bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 175…

Trong tình huống này, ưu tiên điều trị các trường hợp nặng tại các bệnh viện bộ ngành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương và các bệnh viện đa khoa của TP. Đối với trẻ em là bệnh viện chuyên khoa nhi.

TP sẽ cần 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, 160 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 320 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Tình huống 2 (từ 300 - 600 ca nhập viện mới mỗi ngày, 2.000 - 4.000 ca đang điều trị nội trú và 200 - 400 ca nặng tại các bệnh viện): Tổng số giường điều trị sốt xuất huyết là 4.000 giường và 410 giường hồi sức tích cực tại 14 bệnh viện.

Trong tình huống 2, mở rộng quy mô giường bệnh điều trị sốt xuất huyết và giường bệnh hồi sức tích cực tại các bệnh viện công lập. Tình huống này cần 550 bác sĩ và 1.100 điều dưỡng chăm sóc, 320 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 640 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Tình huống 3 (từ 600 - 900 ca nhập viện mới mỗi ngày, 4.000 - 6.000 ca đang điều trị nội trú và 400 - 600 ca nặng tại các bệnh viện): Tổng số giường ở tình huống này là 6.000 giường và 605 giường hồi sức tích cực. Tình huống này cần 800 bác sĩ và 1.600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 480 bác sĩ chuyên khoa và 960 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng.

Sở Y tế cho biết theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca sốt xuất huyết nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền và 2 đơn vị máu, chế phẩm máu. Do đó dựa vào tình huống cụ thể cần phải dự trù dịch truyền, máu và các chế phẩm máu đảm bảo sử dụng trong 1 tháng.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân tuyến; rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể với từng ca bệnh sốt xuất huyết.

Đặc biệt, các bệnh viện phải tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời ca bệnh có diễn tiến bệnh nặng lên. Củng cố đường dây điện thoại nóng tại các bệnh viện tuyến cuối, đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, dịch truyền máu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ