Thành phố Hồ Chí Minh: 3 chính sách lớn bồi thường cho dân Thủ Thiêm

GD&TĐ - “Với các hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, quan điểm của thành phố là hoán đổi đất ngang giá trị, cùng mục đích sử dụng” - Đó là khẳng định được ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM đưa ra tại buổi họp báo về tình hình Văn hóa - Kinh tế - Xã hội tháng 10/2018.  

Người dân Thủ Thiêm trình bản đồ quy hoạch lên lãnh đạo TPHCM trong buổi gặp gỡ
Người dân Thủ Thiêm trình bản đồ quy hoạch lên lãnh đạo TPHCM trong buổi gặp gỡ

Đã xác định được ranh quy hoạch

Kể từ sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm của TP tại khu đô thị mới Thủ Thiêm được công bố, người dân trực tiếp bị ảnh hưởng lo lắng nhất là làm sao xác định được ranh quy hoạch khi bản đồ 1/5.000 đã mất. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 1/11, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Cục Đo đạc của Bộ Xây dựng, dựa trên cơ sở pháp lý, bản đồ kèm theo đã xác định được ranh 4.3 ha trên bản đồ.

Đón nhận thông tin trên, sáng 2/11, ông Lê Văn Lung, nhà phường Bình An, quận 2 thấy yên tâm hơn khi TP khẳng định đã xác định được ranh quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông, UBND TP cần phải công khai các cơ sở pháp lý của việc xác định để người dân được biết. “Chúng tôi cần biết đất của mình thuộc phạm vi nào, ranh vào đất đến đâu và giá đền bù thế nào” – ông Lung nói.

Ông Võ Văn Hoan cho biết: Trong tuần này TPHCM sẽ hoàn chỉnh việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm tập thể. Nội dung sẽ kiểm điểm tập thể UBND TPHCM qua các thời kỳ, quận 2, phường và Ban quản lý KĐT mới Thủ Thiêm. Sau đó, phối hợp với kết quả của Ủy ban Kiểm tra, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… để kiểm điểm, xử lý những cá nhân liên quan. 

Băn khoăn trên của ông Lung là điều có thể hiểu, bởi trước đó tại buổi đối thoại của UBND TP với người dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch UBND quận 2 - cho biết, tổ công tác sau khi xác định ranh quy hoạch 4,3 ha, phát hiện 3 trường hợp người dân bị ảnh hưởng bao gồm: Nhà có sở hữu tư nhân; nhà sở hữu Nhà nước, sử dụng đất công (chia thành trường hợp có hợp đồng và không có hợp đồng thuê). Ba trường hợp này UBND TP sẽ có phương án đền bù khác nhau. Và tất nhiên cũng phải dựa trên ý kiến đồng thuận của các hộ dân.

Ông Hưng cũng thông tin thêm, hiện UBND quận 2 đã lựa được 3 vị trí đối diện, tiếp giáp cầu Bình Khánh có diện tích khoảng 18.000m2 để hoàn chỉnh hạ tầng bố trí cho bà con. Hiện thành phố đã thuê đơn vị tư vấn tổ chức thực hiện và sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các hộ dân để báo cáo với UBND TP.

Đền bù cụ thể cho từng trường hợp

Với mục đích không để người dân chịu thêm thiệt thòi và khổ sở, quan điểm của UBND TPHCM là sẽ làm dứt điểm, bồi thường đúng và đủ với những gì mà người dân Thủ Thiêm đã gánh chịu trong suốt hơn 20 năm qua. Ngoài phương án hoán đổi đất ngang giá trị, cùng mục đích sử dụng cho các hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch, TP còn có hai phương án nữa cho hai đối tượng cụ thể.

Những hộ dân nằm trong ranh quy hoạch nhưng vẫn khiếu nại, tố cáo về chính sách giải phóng, bồi thường, TP sẽ có chính sách bồi thường bổ sung. Chính sách này theo ông Võ Văn Hoan sẽ dựa trên 10 nhóm vấn đề mà tổ rà soát phát hiện về tính pháp lý.

Cuối cùng là chính sách bồi thường cho những người không đủ tiêu chuẩn tái định cư. Nhóm người này có ít đất, nhận được đền bù ít, khi định cư tại các chung cư không đủ tiền, phải thuê, mua trả góp, hoặc bù tiền mua căn hộ, phần lớn có đời sống khó khăn. “TPHCM sẽ xem xét giảm tối đa chi phí, gồm các khoản lãi vay, chi phí xây dựng, hạ tầng… để cố gắng làm sao giúp người dân không phải mang nợ nữa” - ông Hoan cho biết.

Cá nhân Chủ tịch UBND quận 2 cũng khẳng định: Hơn 300 hộ đã được bố trí tái định cư ở vị trí khác khi tiến hành giải tỏa, nếu bà con vẫn giữ vị trí đó, quận sẽ thẩm định giá tại chỗ và nơi di dời để nhận phần chênh lệch, tránh xáo trộn cuộc sống.

Thực tế, các giải pháp đề xuất xử lý của UBND TPHCM khá tương đồng với ý kiến của phần nhiều người dân Thủ Thiêm dù nhiều người vẫn mong muốn được lấy lại đất của mình nếu không vướng quy hoạch. Còn không trả đất thì phải hoán đổi cho họ vị trí và giá trị đất một cách tương xứng với vị trí đất mà họ đã bị giải tỏa sai.

Bà Lê Thị Cẩm Vân ngụ Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, bà cho biết vẫn giữ nguyên, không hoán đổi.“ Tôi đợi xem cuộc gặp bàn lần tới, UBND TP đưa ra phương án bồi thường, mức giá cụ thể thế nào rồi mới có quyết định. Chứ việc hoán đổi đất vẫn thực hiện theo phương án tại buổi đối thoại ngày 18/10 vừa qua là tôi không đồng ý” - bà Vân nói.

Cũng chung quan điểm như bà Vân, bà Đỗ Thị Tuyết, ngụ phường Bình Khánh, quận 2 cho rằng: Phải bồi thường một cách thỏa đáng, theo đúng giá trị đất tại thời điểm hiện nay. Còn hoán đổi thì đất phải có vị trí sinh sống thuận lợi cho người dân (hạ tầng đầy đủ). “Hoán đổi bằng cách đưa người dân chúng tôi đi xa tít tắp, rồi tự định giá nơi tái định cư thì tôi sẽ giữ nguyên phương án lấy lại đất của mình” - bà Tuyết cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ