Vượt sông bằng đò ngang
Trước đây, khi có cầu treo bắc qua sông Mã, người dân ở các bản Mý, bản Phé, bản Bá (xã Phú Xuân, bên hữu sông Mã) sang trung tâm xã thuận tiện, HS đến trường rất an toàn. Có cầu treo, xe tải nhỏ, ô tô 4 chỗ có thể qua lại được, nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân cũng rất thuận lợi.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, cầu treo Phú Xuân bị mưa lũ phá hỏng, không thể sử dụng được, nên hàng ngày người dân ba bản trên phải qua sông bằng đò ngang rất vất vả. Đặc biệt, mỗi ngày có hàng trăm em HS phải tự đi lại bằng đò ngang và đi bộ đến trường chứ không thể tự đi xe đạp hoặc được bố mẹ đưa đón.
Người dân ở đây cho hay, những hôm mưa gió, nước sông Mã dâng cao, chảy xiết, đò ngang không thể lưu thông được khiến hàng trăm HS phải nghỉ học.
Ông Phạm Hồng Tia - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa - cho biết: Ba bản Mý, Phé, Bá có 262 hộ dân (1.133 nhân khẩu) ở bên phía hữu sông Mã phải qua sông bằng đò ngang. Con đò này do UBND xã quản lý, trả công cho người lái đò 5 triệu đồng/tháng. Vì lẽ đó, UBND xã phải đưa ra mức thu đối với người dân là 3.000 đồng/lượt; đối với HS, phụ huynh đóng tiền cả năm học là 35.000 đồng/HS. “Lo nhất là những hôm trời mưa to, nước sông Mã dâng cao, chảy xiết, việc qua sông của người dân và HS rất nguy hiểm. UBND xã đã đề nghị UBND huyện Quan Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa sớm sửa chữa cầu treo Phú Xuân, để người dân qua sông được thuận tiện, an toàn. Nhưng đến nay cấp trên chưa tiến hành sửa. Nếu các em phải qua sông bằng đò ngang kéo dài, thì nguy cơ có nhiều em bỏ học” – ông Tia nói.
|
Không có kinh phí sửa cầu treo
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Trương Đức Văn - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân - cho biết: Hiện nay, nhà trường có 59 HS ở 3 bản Mý, Phé, Bá phải đến trường bằng đò ngang. “Trước đây, khi cầu treo Phú Xuân đang sử dụng được, HS 3 bản nêu trên tự đến trường bằng xe đạp hoặc cha, mẹ các em đưa đón. Từ khi cầu treo bị hỏng, các em phải đến trường bằng đò, nên rất mất an toàn. Nhà trường luôn động viên cha mẹ HS cho các em ở lại học bán trú và ở nhờ nhà dân, tuy nhiên, số HS ở lại học bán trú cũng không nhiều. Hiện nay, một số em vẫn tự đến trường bằng đò ngang, nên nhà trường rất lo lắng cho sự an toàn của các em. Chỉ mong sao cầu treo bắc qua sông Mã được sớm khắc phục, để HS và người dân qua lại cho an toàn” - thầy Văn nói.
Bà Phạm Thị Dần - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa - cho biết: Để khắc phục tình trạng HS không đến trường được do ngăn cách bởi dòng sông Mã, ngành Giáo dục huyện đã đề nghị UBND huyện cho sử dụng phương án tạm thời, để HS đều được đến lớp. Theo đó, số HS mầm non của 3 bản (bản Mý, bản Phé, bản Bá), tập trung học tại khu mầm non cũ của bản Mý. HS tiểu học học tạm ở khu trường cũ (cũng ở bản Mý) đang cho trường mầm non mượn tạm. Còn HS THCS thì phải qua sông Mã bằng đò ngang để về trường trung tâm xã học.
Ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa - cho biết: Huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ, đầu tư xây dựng mới cầu treo Trung Thành và sửa chữa cầu treo Phú Xuân để người dân qua lại thuận tiện. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn, nên tỉnh chỉ phê duyệt vốn để làm mới cầu treo Trung Thành, còn cầu treo Phú Xuân bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa nên tạm thời chưa xây dựng mới được.
“Lãnh đạo huyện cũng nhiều lần đề nghị tỉnh và cả Trung ương giúp huyện xây dựng hai cầu treo nói trên. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tỉnh chỉ đồng ý đầu tư vốn để làm mới cầu treo Trung Thành thôi. Do đó, tạm thời huyện đưa ra phương án dùng đò ngang, giao cho UBND xã Phú Xuân quản lý để đưa đón người dân và HS qua sông Mã”- ông Tự cho biết thêm.