Thanh Hóa, cảnh báo ma túy đội lốt nước trái cây tấn công học đường

GD&TĐ - Ngày 26/10, Công an tỉnh Thanh Hóa có cảnh báo về các loại ma túy tổng hợp có khả năng gây nghiện và tạo cảm giác mạnh đang len lỏi ngoài xã hội.

Loại ma tuý mới được phát hiện trá hình dưới các gói nước trái cây.
Loại ma tuý mới được phát hiện trá hình dưới các gói nước trái cây.

Đặc biệt quan ngại hơn khi loại ma túy này có thể dễ dàng xâm nhập vào môi trường học đường. Vấn đề này đang là mối quan ngại lớn đối với phụ huynh học sinh.

Ma túy núp bóng… nước trái cây gây loạn thần, tử vong

Báo công an nếu thấy sản phẩm khả nghi

“Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở, cá nhân kinh doanh các loại thực phẩm, nước uống có kiểu dáng, nhãn mác tương tự như đã nêu. Nếu phát hiện cần phối hợp ngay với cơ quan công an để tiến hành kiểm tra, giám định. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện các mặt hàng, đối tượng có buôn bán các loại ma túy mới núp bóng thực phẩm, nước uống giải khát không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc số điện thoại đường dây nóng của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa để kịp thời xử lý theo quy định”.

Theo cảnh báo của Công an tỉnh Thanh Hóa thì loại ma túy mới dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài có tên “Crispy Fruit”. Kết quả giám định của công an Thanh Hóa cho thấy Crispy Fruit là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: MDMA, Ketamine, Diazepam.

Dạng ma túy này được đóng trong bao bì, mặt trước có in hình trái dâu, trái nho, trái xoài và chữ “Crispy Fruit”, mặt sau in các thành phần của nước uống. Trên bao bì không ghi thông tin của nhà sản xuất cũng như xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu tím, màu hồng, màu vàng.

Sản phẩm này hòa tan được vào nước như nước giải khát, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều. Chúng còn được gọi dưới tên “nước vui”, với bao bì có hình ảnh, màu sắc bắt mắt nhằm kích thích sự hiếu kỳ của giới trẻ, học đường.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những sản phẩm này nhìn bề ngoài chẳng khác gì một loại nước giải khát. Nếu nó được tiêu thụ tại các trường học, khu vui chơi giải trí sẽ cực kỳ nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội và khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn.

Là phụ huynh có 2 con đang theo học tại các trường THCS và THPT trên địa bàn TP Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá) lo lắng: “Trường học nào cũng thấy rất nhiều điểm bán hàng rong, chủ yếu là những thứ quà vặt mà trẻ con rất thích, không biết có bị trà trộn những loại mà công an đang cảnh báo hay không. Tôi dặn dò các con không được tự ý mua những đồ ăn, thức uống bán ngoài cổng trường khi chưa được phép của bố mẹ. Tuy nhiên, việc kiểm soát không thể tuyệt đối, vì vậy phụ huynh chúng tôi không khỏi lo lắng trước tình trạng này”, chị Hạnh nói.

Cũng có tâm trạng lo lắng như chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Hiền (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) cho biết, trước đây, chị vẫn thường cho con tiền tự ăn sáng. Tuy nhiên, kể từ khi nhận được tin nhắn của nhà trường về một loại ma túy “ngụy trang” dưới dạng gói nước hoa quả, chị đã cho con ăn sáng ở nhà.

“Thực tế, trên địa bàn TP Thanh Hóa, tại các điểm trường vẫn còn không ít những quầy bán hàng rong với nhiều loại mặt hàng như nước uống, bánh kẹo bằng nhiều mẫu mã, loại hình hướng đến học sinh, trong đó không ít những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây được xem là một trong những bất cập cần sớm được chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng vào cuộc chấn chỉnh”, chị Hiền kiến nghị.

Học sinh chia sẻ nhận biết về các loại thực phẩm có nguy cơ chứa chất ma tuý.

Học sinh chia sẻ nhận biết về các loại thực phẩm có nguy cơ chứa chất ma tuý.

Quyết liệt triển khai biện pháp ngăn chặn

Trước những cảnh báo về tình trạng ma tuý được ngụy trang tinh vi, có thể xâm nhập học đường gây hại cho học sinh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa triển khai nghiêm túc, quyết liệt về công tác phòng, chống ma túy năm học 2022 – 2023 tại các cơ sở giáo dục. Hệ thống trường học tại Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống ma tuý xâm nhập học đường dưới nhiều hình thức khác nhau.

Học sinh Trường THPT Mường Lát ký cam kết phòng chống ma tuý.

Học sinh Trường THPT Mường Lát ký cam kết phòng chống ma tuý.

Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Thanh Hóa) cho biết: Hàng năm, nhà trường thường xuyên nhận được các lời mời phối hợp từ các tổ chức, cá nhân về việc giới thiệu sản phẩm, tặng quà là đồ ăn, thức uống,… Nhà trưỡng đã từ chối tiếp nhận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thực phẩm thức ăn, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

“Cán bộ công an cũng đã sang phổ biến tình trạng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp. Họ cung cấp những kiến thức về tác hại của ma túy; dấu hiệu nhận biết và cách thức phòng tránh bằng những hình ảnh thực tế tới học sinh. Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, nhà trường liên tục nhắc nhở các em học sinh không được tự ý mua đồ ăn, nước uống bán ngoài cổng trường. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao và nhắn tin phối hợp với phụ huynh quán triệt con cái”, bà Mai nói.

Bà Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết, nhà trường dành nguyên buổi chào cờ của tháng 9 để tuyên truyền tới học sinh về việc nhận biết các loại thực phẩm có khả năng chứa chất ma tuý để tránh xa. Nhà trường cũng cho học sinh viết cam kết thực hiện một số nội quy và đề nghị phụ huynh ký vào, trong đó có nội dung phòng chống ma tuý.

Tại Trường THCS Quang Trung, nhà trường còn hướng dẫn giáo viên bộ môn, tiến hành lồng ghép vào bài học chính khóa những nội dung liên quan đến phòng, chống ma túy.

“Để việc ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập vào học đường cần sự vào cuộc của tất cả các ban ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, rà soát những hộ kinh doanh, những mặt hàng dịch vụ thiết yếu bên ngoài cổng trường. Bên cạnh đó, là vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ, giám sát con cái”, bà Ngoan nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.