(GD&TĐ) - Người ta bảo rằng thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là thị trấn xóm nghề vì ở đây có nhiều xóm như: xóm nấu bắp, xóm lu, xóm chao, tàu hủ ky, xóm guốc, xóm nhang, xóm bầu cải, xóm mứt, xóm cốm dẹp v.v... Nhiều xóm nghề đang lên nhưng cũng có một số nghề bị mai một, như xóm guốc, xóm lu… và một số nghề đang đi xuống như xóm nhang, xóm chao…
Sông có khúc, xóm nghề … cũng có lúc
Hiện nay, nhiều xóm nghề truyền thống của thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh đã và đang dần biến dạng. Xóm guốc, một thời hoàng kim bán qua tận Nam Vang, dưới chân cầu Cái Vồn đã biến mất. Xóm làm chao là một trong những xóm nghề nằm trong “danh sách” có nguy cơ “lụi tàn”. Trải qua nhiều thế hệ, số hộ làm chao trong vùng không đủ đếm trên đầu ngón tay. Đến cơ sở sản xuất chao Hưng Phát của chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh - sinh năm 1966, ngụ tổ 3, khóm 3, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, chị kể: “Ngày xưa, làm chao vất vả lắm, phải làm không ngơi tay mới có ăn, lời không bao nhiêu mà nợ tồn đọng không được thanh toán. Thêm vào đó là sự cạnh tranh trên thị trường, thiếu vốn, chủ nợ không trả tiền, lại không kịp thay đổi mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu của khách hàng, đã làm nhiều hộ không trụ được với nghề”. Theo lời người cố cựu nơi đây kể lại, xóm chao hình thành ở Bình Minh khoảng 70 năm nay, cùng thời với những nghề truyền thống khác trong vùng, như nhang, tàu hủ ky… Trước đây, trong xóm có khoảng 20 lò chao nhưng hiện nay chỉ còn hai lò, Hưng Phát là một trong những lò làm chao còn sót lại. Cũng như những xóm nghề đang bị mai một khác, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân bỏ nghề là do giá nguyên liệu tăng, giá sản phẩm thấp, ít lời.
Giàn phơi nhang |
Xóm nhang Bình Minh đã có từ lâu đời, khoảng 60 năm nay, phần lớn dân trong vùng là những người tản cư từ xứ khác đến, thất nghiệp nên rủ nhau làm nhang. Theo lời ông Trần Văn Ngạn (Tư Nhan) – sinh năm 1936, ngụ tổ 4, khóm 4, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, thì trước đây có khoảng 20 hộ làm nhang, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5 hộ. Ông Tư Nhan cho biết: “Thời gian đầu, do nguyên liệu rẻ, có lời nên mọi người thấy được rồi làm theo, bây giờ nguyên liệu phải lấy từ TP.HCM, giá mắc mà giá nhang không tăng, không lợi nhuận nên nhiều người bỏ nghề lên TP.HCM kiếm sống”. Được biết, nghề làm nhang xuất phát từ những người dân vùng Kiên Giang di cư sang đây, lúc đầu thấy một người làm được rồi nhiều người làm theo, dần tạo thành một “xóm nhang” nổi tiếng trong vùng. Hiện nay, xóm nhang đang dần tan biến trong ký ức của người dân, không có vốn để sản xuất, không có thương hiệu riêng nên nhang Bình Minh không nâng cao được giá trị. Mấy năm nay, từ khi có cầu Cần Thơ, người viết bài này không còn qua phà nữa, giờ quay lại thấy xóm nhang tiêu điều hơn.
Ai giàu ba họ, ai khó ba đời?
Tuy hiện nay xóm nghề Bình Minh không còn duy trì được như trước, do thiếu vốn để phát triển, nhưng người dân trong xóm vẫn giữ được nghề đặc trưng của quê mình.
Ông Ba Hoàng - sinh năm 1950, là đời thứ tư nối nghiệp nghề làm tàu hủ ky, ông kể: “Nghề làm tàu hủ ky xuất xứ từ người Hoa, phát triển mạnh nhất vào những năm trước 1975. Giai đoạn sau này có phần thăng trầm hơn, nhưng các lớp con cháu của tôi và những người trong xóm vẫn duy trì được làng nghề cho đến ngày hôm nay. Nghề làm tàu hủ ky tuy không khó nhưng phải trải qua nhiều khâu chế biến, đòi hỏi người làm phải chịu khó và kiên nhẫn”. Quá trình chế biến tàu hủ ky cũng không mấy đơn giản: đậu nành ngâm khoảng 2 -3 giờ, vớt vỏ cho hạt đậu thật sạch rồi bỏ vào cối xay nhuyễn thành bột. Sau đó vắt lấy nước rồi bỏ vào lò nấu, để lửa than nóng liu riu cho đến khi váng tàu hủ đọng thành miếng, người nấu sẽ dùng thanh tre hoặc trúc vớt miếng tàu hủ vắt lên sào. Khách hàng đến lò có thể mua tàu hủ ky loại ướt về chế biến chả lụa hoặc ăn ngay và loại khô để lâu ngày chế biến cũng rất ngon.
Bỏ tro vào bầu ươm cây giống |
Ông Út Cân - chủ một cơ sở sản xuất tàu hủ ky với hơn 40 chảo, hiện đang là một trong những chủ sản xuất uy tín trong vùng cho biết: “Theo như tôi biết thì nghề này xuất hiện khoảng 70 năm trước, còn gia đình tôi làm đã được 30 năm rồi. Tôi làm nghề này trước khi lập gia đình, lúc đó tôi làm thuê cho người ta, có vợ con rồi tôi mới mở cơ sở sản xuất gia đình riêng”. Nhà ông Út Cân nằm cạnh bến đò qua xóm tàu hủ ky, ông có hai người con trai, con chú người nào cũng ăn học đến nơi đến chốn, nhưng đứa lớn có gia đình riêng, buôn bán tiệm tạp hóa, còn đứa út học xong đại học bây giờ vẫn ở nhà và dự định sẽ nối nghiệp cha, giữ lại nghề truyền thống cho gia đình.
Những xóm nghề ở huyện Bình Minh đang ngày càng giảm dần, nhiều người lỗ vốn mà bỏ nghề đi xứ khác, nhưng đối với ông Út thì dù sau này con trai không nối nghiệp cha, ông vẫn muốn truyền lại cho con nghề làm tàu hủ, để con cháu đời sau biết được nghề cổ truyền của cha ông cha để lại. Chị Lê Thường - một khách hàng đến từ tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Tôi mua tàu hủ ở đây lâu rồi. Tàu hủ ở đây ngon, rẻ, dẻo hơn nơi khác, tôi mua nhiều để dành ăn và mua cho người chị bán quán cơm chay”.
Đến ấp Đông Bình B, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, nằm bên bờ sông Chà Và. Đây là xóm “bầu cải”, một trong những xóm nghề truyền thống của huyện. Theo lời người dân kể lại, nghề bầu cải này có từ khoảng 40 năm nay, lúc đầu chỉ có vài hộ ương giống cải để làm dưa ăn trong tết. Sau này, những gia đình ở dọc bờ kinh thấy được nên làm theo, lâu dần người trong vùng đặt cho cái tên là xóm “bầu cải”. Hiện xóm có trên 20 hộ, ương với nhiều loại giống khác nhau, không chỉ các loại cải mà còn có đu đủ, bí đao, bầu, cà tím, ớt,…
Bầu được đậy kín lại cho hạt nảy mầm |
Bà Nguyễn Thị Huệ - ở xóm bầu cải cho biết: “Tôi làm nghề này đã hơn 10 năm nay, nó đã mang lại nhiều doanh thu cho tôi cũng như thu nhập ổn định cho khá nhiều lao động trong vùng. Chẳng hạn, hộ có giàn ương rộng 200 thước vuông, chứa khoảng 100 thiên bầu (mỗi thiên là 1000 bầu), mỗi tháng có thể bán ra khoảng 240 thiên bầu cải, thu được từ 9-10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Còn vợ chồng tôi tuy đông con, nhưng chúng đã có gia đình riêng và lập nghiệp nơi khác, chúng tôi sống với hai đứa nhỏ còn đang học tiểu học, không giúp gì được. Vì thế, tôi phải thuê mướn thêm người để làm các khâu từ quấn bầu, bỏ tro vào bầu và ương hạt nên chi phí cao và lợi nhuận giảm. Tuy lời không cao nhưng nghề bầu cải đã giúp ổn định cuộc sống gia đình tôi từ nhiều năm nay”. Để có những cây rau màu tươi tốt, người ta thường dựng giàn ương sát mé sông, để tiện lấy nước tưới và chăm bón. Mỗi giàn ương rộng từ 50 - 200m2, phân ra thành nhiều loại giống khác nhau để dễ phân biệt khi giao hàng (một số rau quả khó phân biệt lúc nhỏ). Chị Ba Thu - người làm công cho gia đình bà Huệ, cho biết về các bước ương giống: “Hạt giống mua về lựa kỹ, đem phơi nắng cho khô ráo. Sau đó, bỏ tro trấu vào đầy bầu, đem ra chất trên mặt giàn ương, kế đến là dùng tay nhét từng hạt giống vào bầu. Xong rồi tưới nước lên, đợi cây nhú ra ba lá non là đem bán được”.
Xóm nghề không phải là nơi làm giàu nhanh, nhưng nó đánh dấu một thời đô thị hóa. Huyện Bình Minh, thị trấn Cái Vồn được thành lập 1957, tách ra từ huyện Trà Ôn. Chính bến phà Cái Vồn và xóm nghề đã tạo ra thị trấn. Trong nhịp sống đô thị, những người nông dân đầu tiên lên thị trấn đều sống nhờ vào xóm nghề, nơi sử dụng lao động chuyển tiếp từ nông thôn ra đô thị.
Kiều Kim Ngân