Tham vấn tiểu vùng mạng lưới UNEVOC về phòng chống HIV/AIDS

Tham vấn tiểu vùng mạng lưới UNEVOC về phòng chống HIV/AIDS

(GD&TĐ) - Có thể nói, HIV/AIDS không đơn thuần là vấn đề y tế mà còn là vấn đề mang tính chất xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của một quốc gia. Hiện nay, thanh niên tại nhiều nước trên thế giới đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch HIV/AIDS đến việc mưu sinh, tồn tại và phát triển. Điều này đã tạo nên sự thách thức đối với việc phát triển, tổ chức và quản lý hệ thống GD nghề nghiệp ở các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là chương trình GD cho tất cả mọi người.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ ngày 21 đến 24/6 tại Tp. Hạ Long Bộ GD&ĐT phối hợp với văn phòng UNESCO tại VN và Trung tâm dạy nghề quốc tế tổ chức Hội nghị tham vấn cấp tiểu vùng ĐNÁ về vai trò của mạng lưới UNEVOC trong việc đáp ứng quốc gia phòng chống HIV/AIDS trong khuôn khổ GD nghề nghiệp. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại VN, ông Eamonn Murphy – Giám đốc UNAIDS tại VN, cùng đại diện các nước Campuchia, Lào, Mianma, Malaysia, Indonesia, Srilanca và đại diện các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)…

Các đại biểu dự Hội nghị thực hành làm việc theo nhóm do chuyên gia của UNESCO hướng dẫn
Các đại biểu dự Hội nghị thực hành làm việc theo nhóm do chuyên gia của UNESCO hướng dẫn

Trong bốn ngày diễn ra Hội nghị, sẽ có nhiều báo cáo khoa học được trình bày; trong đó có những báo cáo của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế. Các báo cáo tập trung vào ba chủ đề là thu thập các thông tin và những bài học kinh nghiệm về việc tích hợp các nội dung liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS vào trong kế hoạch và quản lý dạy nghề quốc gia; xác định những yếu tố tốt nhất để thực hiện được các kinh nghiệm liên quan đến sự tham gia hiệu quả của hoạt động dạy nghề trong việc phòng chống HIV/AIDS; thiết lập chương trình khung hoạt động của mạng lưới UNEVOC nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các trung tâm này trong các nước khu vực.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có gần 23 triệu HS, SV từ bậc GDMN GD ĐH. Trong đó, có gần 700 ngàn HS học nghề và 1.8 triệu học viên trung cấp chuyên nghiệp được đào tạo ở tất cả các địa phương trên cả nước. Với đặc thù của HS thuộc nhóm GD chuyên nghiệp và học nghề là những người có kiến thức xã hội còn hạn chế, cơ hội tìm việc làm sau đào tạo còn chưa cao, tác động từ mặt trái của xã hội lớn. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đến họ là khá cao. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua tất cả các đơn vị trong Bộ đã tham gia vào các hoạt động chung do Ban Điều phối Liên vụ tổ chức, mỗi đơn vị đều có các hoạt động của đơn vị mình; Lồng ghép vào các môn học nội, ngoại khoá; truyền thông PC HIV trên phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các diễn đàn về PC HIV có sự tham gia của HS, SV; Biên soạn tài liệu truyền thông GD PC HIV; Biên soạn và in ấn cung cấp cho 63 sở GD&ĐT tài liệu “Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS”; Tổ chức Hội thảo công bố tài liệu “Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS” tại Hà Nội và TP HCM nhằm truyền thông về giảm kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV trong trường học; phối hợp với UBND các cấp, Ban, ngành, đoàn thể của TW và địa phương có “điểm nóng” về trẻ có HIV bị cản trở không được tới trường, bước đầu đã được giải quyết…

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước VN rất quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được phê duyệt từ năm 2004; Luật phòng, chống HIV/AIDS đã được ban hành. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các bộ ban ngành, của chính quyền từ T.Ư đến địa phương, sự hỗ trợ giúp đỡ cả về kinh nghiệm và tài chính của các tổ chức quốc tế, và với sự quyết tâm của các tổ chức xã hội và người dân, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở VN đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Về cơ bản, VN đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch, thể hiện thông qua tỷ lệ hiện nhiễm HIV dưới 0,3% so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia đề ra.

“Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS đến toàn thể cán bộ, GV, HS, SV; Thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS và Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Bộ GD&ĐT VN đã tập trung tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong toàn Ngành và đã đạt được những thành quả khả quan, cụ thể là: Kiện toàn bộ máy chỉ đạo và triển khai thực hiện, củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS ở các cơ sở GD; Phối hợp với các Bộ, ban ngành ban hành các văn bản chỉ đạo; Kết hợp với các đoàn thể và các tổ chức quốc tế biên soạn các tài liệu hướng dẫn, xây dựng và triển khai các chương trình hành động để tuyên truyền, GD kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho các cấp, bậc học; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của ngành GD về phòng, chống HIV/AIDS đến toàn thể cán bộ, giảng viên, và HS SV ở mọi cấp học; Lồng ghép các nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động dạy học và vào các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”; Thực hiện các biện pháp dự phòng toàn diện chống lây, nhiễm HIV trong các cơ sở GD, trong đó có GD nghề nghiệp; Thực hiện nghiêm túc các quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV; Tổ chức được nhiều hội thảo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, GV trong toàn Ngành. Qua đó đã nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, GV làm công tác phòng, chống HIV/AIDS; Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tại địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong ngành GD; Kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh.

Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ