Thai phụ bị tiểu đường, thiểu ối sinh con khỏe mạnh

GD&TĐ - Ngày 24/12, BV Phụ sản Hải Phòng cho biết, vừa điều trị thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Minh Hạnh (25 tuổi, trú huyện An Dương, Hải Phòng) bị thiểu ối.

Ảnh: BVCC.
Ảnh: BVCC.

Theo chia sẻ của sản phụ, khi biết mang thai, chị thường đi khám quản lý thai ở phòng khám tư. Cho đến tuần thai 24, sản phụ thấy có điều gì đó không ổn nên quyết định đến BV Phụ sản Hải Phòng thăm khám.

Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ xác định sản phụ bị tiểu đường thai kỳ đồng thời còn bị "thiểu ối".

Ngay sau đó, PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV thực hiện kỹ thuật truyền ối điều trị thiểu ối ở tuần 29. Sau 2 lần truyền, mức ối của sản phụ trở lại bình thường và ổn định.

Đến tuần 37, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ và được chỉ định mổ sinh, bé chào đời nặng 2,5kg. Sau mổ, sức khỏe mẹ ổn định, đáng chú ý, bé cũng hoàn toàn khỏe mạnh, cả hai mẹ con hiện đang được chăm sóc tại Khoa Sản 3.

BV Phụ sản Hải Phòng đã triển khai thực hiện phương pháp truyền ối điều trị thiểu ối từ tháng 9/2018. Tính đến nay, đã có trên 40 ca thiểu ối được điều trị thành công. Gần nhất, bệnh viện cũng đã thực hiện một ca thiểu ối vào hôm 28/07 vừa qua.

Sản phụ Hảo được các bác sĩ điều trị thành công "mẹ tròn con vuông". Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
Sản phụ Hảo được các bác sĩ điều trị thành công "mẹ tròn con vuông". Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Sản phụ Trần Thị Hảo, sinh năm 1991 ở Nhân Mục, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ngày 10/04 đi khám thai định kỳ được bác sĩ khoa Quản lý thai nghén và chẩn đoán trước sinh phát hiện thiểu ối ở tuần thai 22, chỉ số ối 4 góc = 62mm.

Sau một tuần điều trị với 02 lần được PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm truyền ối, mỗi lần 40ml, chỉ số ối của sản phụ Hảo đạt 108mm, ổn định, xuất viện.

Đến 28/07, thai 38 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ Hảo vào viện được chỉ định đẻ mổ, lấy ra 01 nhi gái nặng 3600 gram hoàn toàn khỏe mạnh trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình sản phụ Hảo.

Thiểu ối (nước ối bị ít) là tình trạng thường gặp trong thai kỳ. Tỷ lệ thiểu ối rất dễ thay đổi, tùy thuộc vào tuổi thai, chiếm từ 0,4% - 3,9% các bà mẹ mang thai. 

Thiểu ối có thể gây ảnh hưởng đến cả thai nhi lẫn thai phụ cụ thể: tăng tỷ lệ sinh mổ, tăng tỷ lệ suy thai và dị tật thai nhi. Thiếu ối trầm trọng sẽ dẫn đến vô ối và có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc sinh non. 

Tình trạng thiểu ối có thể gây ra nhiều nguy cơ như: suy thai, thiểu sản phổi, thận, gây dị tật, biến dạng thai nhi…

Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ thiểu ối, chị em cần điều trị khỏi hẳn hay ổn định hẳn những bệnh lý nội khoa rồi mới quyết định có thai. Khi mang thai, bà bầu thực hiện khám thai định kỳ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa để theo dõi phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đồng thời, chị em cũng tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày trung bình khoảng 2l, bởi đây là biện pháp đề phòng được tình trạng thiểu ối nhất là trong 3 tháng cuối thai kì kết hợp dinh dưỡng mỗi ngày

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.