Tết ở chiến khu

Tết ở chiến khu

(GD&TĐ) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, cứ mỗi khi đến Tết Nguyên đán là chúng ta lại đấu tranh buộc đối phương phải ngừng bắn ít ngày để quân dân hai bên ăn Tết. Chắc chắn đó là nét văn hoá “ độc nhất vô nhị” trên hành tinh này. Nét văn hoá ấy thiêng liêng lắm chứ. Cho đến bây giờ, khi tuổi tác đã ở bên kia con dốc cuộc đời, tôi mới nghiệm ra rằng, sự thiêng liêng của 3 ngày Tết  là bắt nguồn từ cách sống hào hoa của dân tộc và hùng thiêng sông núi nước non ta! Càng ngẫm tôi càng chìm sâu vào sự mung lung của “vui như Tết!” ở đất nước mình, có những điều lạ trên mọi điều kỳ lạ. Một trong những điều kỳ lạ ấy, là, trong cuộc đương đầu với một nước giàu có nhất thế giới, dân tộc ta vẫn cứ lạc quan, vẫn cứ ung dung ăn Tết ngay bên mép chiến hào. Có lẽ, từ trước tới nay và rất có thể cả sau này nữa, khi ta phải chống giặc ngoại xâm, chúng ta vẫn dành ra vài ngày … ăn Tết.

Hồi ấy, những năm sáu mươi- bảy mươi của thế kỷ trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến khu Miền Đông Nam Bộ, chúng tôi có lúc phải gồng lên để đối phó với chiến lược”Thay màu da trên xác chết”của Tổng thống Mỹ Ních-xơn mà vẫn cứ có Tết. Chúng tôi ăn Tết bằng sự dành dụm về vật chất của những tháng áp Tết, bằng sự giao thoa của “tống cựu nghinh tân” và bằng sự bừng lên không sao cưỡng nổi trong trái tim mình!

Dấu chân người lính vượt Trường Sơn Ảnh TL
Dấu chân người lính vượt Trường Sơn      Ảnh TL

Với hơn mười cái Tết ở chiến khu “Miền Đông gian lao mà anh dũng” ấy; từ năm 1963 (năm anh em Diệm-Nhu về chầu với Chúa) đến năm “non sông liền một dải”(năm 1975), tôi bồi hồi nhất là cái Tết Quý Sửu-1973, cái Tết đón nhận sự thành công rực rỡ của Hiệp định Pari. Năm ấy, ngày ký kết Hiệp định Pari,  ngày 27-1-1973, ứng với ngày 24 tháng Chạp Âm lịch, là ngày ông Táo vừa mới lên Trời thưa với Ngọc hoàng về sự không sao kham nổi cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Nam Việt Nam của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và cũng là ngày chúng tôi đang trên đường trở về Tổ quốc sau những năm cùng nhân dân Campuchia trên chiến hào chống Mỹ.

Trong đoàn quân trở về ấy, có 3 đứa là phóng viên Tuần Tin Bộ Tham mưu Miền chúng tôi, do Lê Bích làm Tổ trưởng của Quốc Trung và của tôi. Bích kém tôi dăm sáu tuổi, nhưng lại hơn tôi một “hạt” trên ve áo nên tôi phải tuân theo lệnh của hắn là sự đương nhiên. Bích người Hà Nội, Trung ở Thành Nam là “hàng xóm” quê Lúa Thái Bình với tôi. Chắc cả 3 đứa chúng tôi đều có “chùm khế ngọt” ở ngoài Bắc và Tết nào cũng có một cành đào Nhật Tân tự tạo nên cả chiến khu mới kêu tổ tôi là tổ Tuyên huấn Bắc Hà. Bích là trai Hà Nội nên rất hiếu kỳ. Cậu ta bảo, những tay chơi sành điệu ở Thủ đô, bao giờ cũng chỉ cho đào nở đúng vào lúc trời đất giao hoà giữa năm cũ và năm mới. Với lý lẽ không ai cãi được ấy, nên những ngày áp Tết chúng tôi chỉ được tự tạo ra một cành đào có lá có nụ. Còn bao nhiêu hoa đã nở thì không được gắn vào cành mà phải chờ lúc trời đất đã chớm xuân. Và cũng đã thành lệ, trong ngày mồng Một Tết, hầu hết các Ban trong Phòng Chính trị và các phòng lân cận, như Phòng Quân lực, Phòng Tình báo, Phòng Cơ yếu…đều đến tổ Bắc Hà chúng tôi chiêm ngưỡng sự lung linh, huyền ảo do cành đào tự tạo toả ra. Tạo màu sắc cho đào thì chẳng mấy khó khăn, vì chúng tôi đã nhờ mấy tay trong Phòng Tình báo mua giúp các loại giấy màu ở tận Sài Gòn từ mấy tháng trước Tết cơ. Riêng mùi hương của đào mới thật là khó nên tay Bích phải đích thân sang Đoàn Văn công Quân giải phóng, chỗ anh Xuân Hồng, hít hà từng lọ nước hoa, chọn cho được cái hương thơm vừa thoang thoảng vừa quyến rũ của hoa đào Nhật Tân thứ thiệt. Có hương thơm sành điệu ấy, tay Bích giao cho tôi giấu kín vào túi quần, lúc lúc lại “xịt” một cái, làm cho  khách đến chiêm ngưỡng cứ ngỡ là hương đào đã toả ra suốt 3 ngày Tết ở đâu đó giữa rừng già...

Tết đón nhận Hiệp định Pa-ri ấy, chúng tôi phải ăn Tết trên đường trở về Đất Mẹ. Ngoài sự lỉnh kỉnh của Ban Tuyên huấn, tay Bích vẫn bắt tôi phải vác cành đào đi trước hàng quân, như kiểu vác cờ, vác quạt. Mà đường hành quân có phải “thênh thang tám thước” như trong thơ Tố Hữu đâu, nó là đường mòn, thậm chí có chỗ chỉ là “đường cò”nên Quốc Trung cứ phải lăm lăm con dao đi trước và luôn tay “mở đường” cho cành đào ngất ngưởng đi sau. Thế rồi, mỗi đợt giải lao, chúng tôi lại được đón tiếp sự trầm trồ của các ban, các phòng trong chiến khu. Những lúc ấy, chỉ cần nhận lệnh bằng cái liếc mắt của tay Bích, tôi bóp nhẹ vào túi mình, nơi sẵn có lọ nước hoa đặc trưng cho mùi hương của hoa đào Nhật Tân thứ thiệt, là nó lại toả ra trước hàng quân. Hết thẩy mọi người trong chiến khu đều biết cành đào của chúng tôi là cành đào tự tạo, nhưng không hề một ai biết được mùi hương của cành đào ấy toả ra là do tưởng tượng hay do một bí hiểm ở nơi nao? Mấy tay lính trẻ đã cá cược với nhau hẳn một lạng thuốc rê và gói chè con sóc mà vẫn không tìm ra sự bí hiểm trong túi quần của tôi. Bây giờ, chỉ cần nhắm mắt lại, phóng sự suy ngẫm của mình vào không trung là tôi lại hình dung ra không gian ngày ấy với sự trầm trồ của mọi người trong chiến khu và sự cay cú của những tay lính trẻ …

Công Viễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ