Tết 2022: Chi tiêu sao cho khoa học?

GD&TĐ - Tết cổ truyền nói chung và Tết 2022 là dịp lễ quan trọng mà mọi người dân Việt Nam đều hướng đến, tuy nhiên đây cũng là dịp chi tiêu tốn kém nhất trong năm, đặc biệt mùa Covid-19.

Chỉ cần bỏ một chút thời gian lập bảng kế hoạch chi tiêu để tránh đáng tiếc về sau (hình minh họa)
Chỉ cần bỏ một chút thời gian lập bảng kế hoạch chi tiêu để tránh đáng tiếc về sau (hình minh họa)

Do đó chi tiêu sao cho khoa học là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Lập kế hoạch chi tiêu

Lập kế hoạch chi tiêu để sắp xếp các hoạt động ưu tiên, điều chỉnh các khoản chi và cân nhắc các khoản thu chi cho phù hợp với điều kiện tài chính của mỗi gia đình. Mục đích của việc lập kế hoạch chi tiêu là để dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính, để không bị rơi vào tình trạng chi tiêu thâm hụt mà nhiều trường hợp dẫn đến nợ nần.

Lập kế hoạch để bản thân đặt mình trong tầm kiểm soát, sử dụng đồng tiền hiệu quả và tránh thất thoát cho những khoản vô bổ. Nó giúp cho việc mua sắm không bị lo lắng, gò bó đến mức không biết tài chính gia đình đi về đâu “liệu mình tiêu như vậy có sao không nhỉ? Có bị thâm hụt vào khoản chi tiêu khác không?” “Chết rồi, có khi tiêu nhiều thế lại thiếu tiền học cho con”…

Tuy nhiên, để việc lập kế hoạch chi tiêu được phù hợp, tiết kiệm nhưng không bị mang tiếng là “bắt cả nhà phải nhịn…” thì cần phải tham khảo ý kiến của các thành viên trong gia đình, bởi trong quá trình xây dựng kế hoạch đã có sự đồng thuận của mọi người.

Việc lập kế hoạch chi tiêu dựa theo khả năng tài chính của từng gia đình. Cần phác thảo, xác định những tháng lương gần Tết và sau Tết của gia đình để từ đó lập chi tiết tổng bao nhiêu cho dịp Tết để không bị rơi vào tình trạng sau Tết không còn tiền tiêu hoặc những cãi vã không đáng có. Ví dụ lương của gia đình tổng có 30 triệu thì dự định chi tiêu cho dịp Tết là 15 triệu thì lúc đó sẽ phân bổ lên kế hoạch mua sắm. Nếu thu nhập gia đình tổng là 20 triệu thì kế hoạch mua sắm cho Tết sẽ ít hơn.

Liệt kê chi tiết danh mục chi tiêu

Chỉ cần vài dòng kẻ là có thể lập một bảng chi tiêu cụ thể các hạng mục cần thiết. Mỗi dòng là một khoản cần chi tiền trong dịp này. Ví dụ, dòng kẻ thứ 1 là danh mục chi các đồ ăn cần mua trong mấy ngày Tết, dòng kẻ thứ 2 là các khoản chi cho biếu, tặng, tiền bỏ lì xì. Dòng kẻ thứ 3 là danh mục chi các đồ trang trí như cây quất, đào, hoa. Dòng kẻ tiếp theo là danh mục mua đồ cho các thành viên trong gia đình như mua quần cho bé, mua áo cho mẹ, mua cavat cho bố, mua xe cho anh cả…

Dự trù bao nhiêu tiền cho các danh mục trên đều phải rõ ràng để không bị vượt mốc cho phép. Có thể du di từng dòng từng khoản mục nhưng tổng các danh mục phải không được vượt quá mức đã đề ra (hoặc chỉ cho phép vượt con số lẻ nhỏ).

Thực hiện các hạng mục chi tiêu

Sau khi liệt kê các danh mục chi tiêu, lúc này sẽ bắt tay thực hiện hóa bảng phân bổ ngân sách cho các khoản chi tiêu. Đôi khi thực tế chi tiêu có khác so với kế hoạch dự trù ban đầu nhưng phải kiên quyết dẫu có khác nhưng phải kiên quyết không để bị “cuốn theo chiều gió”.

Ví dụ dự định trong bản danh mục chi 5 triệu cho đồ trang trí như quất đào, đèn trang trí, hoa quả… nhưng ra chợ thấy đẹp quá mua luôn cây đào trị giá 4 triệu (?) thì kế hoạch sẽ bị “phá sản”. Lúc này cần tỉnh táo để nhận định “biết người biết ta” đừng để bị dụ dỗ.

Không ganh đua “nhà hàng xóm có đồ đẹp nhà mình đồ dở”. Cái đẹp đôi khi chỉ là sự phù hợp nên không nên vung tay quá trán, chi tiêu quá mức cho những món đồ chỉ chơi trong vài ngày. Tết là dịp để đoàn viên sum vầy bồi dưỡng tình cảm gia đình, người thân, không nên quá cầu kỳ vào những vật phẩm trang trí.

Không nên sa đà các chương trình khuyến mãi (ảnh minh họa)
Không nên sa đà các chương trình khuyến mãi (ảnh minh họa)

Không mua thực phẩm quá nhiều. Nhiều người có thói quen tích trữ nhiều đồ ăn. Đó là thói quen của thời bao cấp lo sợ ngày Tết không có ai bán hàng. Ngày nay ngay mồng 1 Tết đã có nhiều chợ mở cửa, siêu thị có khi sẵn sàng phục vụ từ mồng 2. Gần Tết, tại các siêu thị hoặc những chuỗi cửa hàng đều có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, có thể tranh thủ những dịp khuyến mãi này mua được nhiều sản phẩm với giá rẻ và tiết kiệm được rất nhiều tiền trong dịp Tết.

Tuy nhiên, Tết là dịp các doanh nghiệp tung ra nhiều chiêu trò khuyến mãi hấp dẫn người tiêu dùng nhưng đừng vì thế mà mải mê, sa đà vào những thứ không cần thiết. Nhìn chung có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít tùy theo khả năng tài chính của gia đình để cả nhà tránh được điều đáng tiếc sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ