Dự án 44 cầu ĐS tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hoàn thành có thể rút ngắn gần 90 phút chạy tàu nhưng do chưa đồng bộ tải trọng giữa cầu và đường nên chưa thể thực hiện (Trong ảnh: Tàu qua cầu Sông Bồ Km 671+400 tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Ích Tín |
Tuy nhiên, đến nay tổng thời gian hành trình trên tuyến này đối với tàu hỏa nhanh nhất vẫn không hề giảm so với trước.
Hoàn tất thay thế 44 cầu yếu, đã có thể rút ngắn thời gian chạy tàu?
Hơn 2 năm trở về trước, ngành Đường sắt đã nhen nhóm, ấp ủ ý định rút ngắn hành trình tàu khách Bắc - Nam xuống còn khoảng 28 đến 29 giờ, thay vì 30 giờ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, nhân lực chưa đủ… nên đành tạm gác lại.
Đến thời điểm này, cơ sở hạ tầng đường sắt đã được cải thiện nhiều. Trong đó, quan trọng nhất là việc 44 cầu yếu trên tuyến Bắc - Nam đã được thay thế mới toàn bộ nên có thể tăng tốc độ tàu qua các cầu này, để từ đó rút ngắn được thời gian hành trình của tàu. Vậy đây liệu có phải là lúc nhen lại bài toán đã đặt ra từ hơn 2 năm trước?
Ông Nguyễn Cao Minh - Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, đến nay 44 cầu mới thay thế hiện đại, chắn chắn hơn đã giúp nâng tốc độ chạy tàu khi đi qua cầu.
Theo thiết kế, tàu qua cầu có thể đạt tốc độ khoảng 120 km/h, tốc độ khai thác đạt khoảng 80 km/h. Cần phải nói rằng, trước khi thay thế cầu mới, khi chạy qua toàn bộ 44 cầu cũ, tàu chỉ có thể đạt tốc độ tối đa 35 km/h.
Với tốc độ chạy tàu mới, về lý thuyết, mỗi cầu sẽ rút ngắn được hành trình khoảng 2 phút/cầu. Như vậy, với 44 cầu sẽ rút ngắn được khoảng gần 90 phút hành trình so với hiện tại. Đây có thể coi là thời gian rút ngắn rất đáng kể đối với đường sắt.
Mục tiêu lớn cho 2016
Ông Phan Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - cho biết: Về mặt lý thuyết sau khi hoàn thành 44 cầu có thể rút ngắn thời gian hành trình tàu.
Tuy nhiên ,tải trọng giữa cầu và đường chưa đồng nhất. Hơn nữa còn cần giải quyết nhiều yếu tố khác mới có thể làm được, như đảm bảo an toàn, hạn chế các đường ngang qua đường sắt; Đặc biệt, cần đồng nhất tải trọng trên tuyến.
“Sau khi hoàn thành 44 cầu, VNR đã có tính toán và có thể rút ngắn được khoảng 20 phút hành trình, nhưng thời gian này không nhiều nên chủ yếu vẫn mang ý nghĩa bù đắp để các đoàn tàu đi - đến ga đúng giờ tuyệt đối.
Hiện nay VNR tập trung đồng nhất tải trọng cầu đường. Đoạn từ Đà Nẵng đến TP Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 3,6 tấn/m. Trong khi đoạn Đà Nẵng đến Hà Nội đạt 4,1 tấn/m.
Khi đồng nhất được tải trọng sẽ mang hiệu quả kinh tế cao, và đó cũng là một trong những điều kiện để nâng được tốc độ tàu” - Ông Quốc Anh nói.
Cũng về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR - cho biết: Tổng Công ty đang rất nỗ lực rà soát các khâu, các đoạn, tốc độ chạy tàu tại các khu gian để có thể rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc - Nam.
“Tôi nói ví dụ trong một khu gian 9 km tốc độ chạy tàu có thể đạt tới 50 km/h. Tuy nhiên lại có một đoạn cong và vì đoạn cong này, anh em phải cắm biển tốc độ 40 km/h. Như vậy là sai.
Chỉ có một khúc cua thôi, tại sao lại bắt cả khu gian phải chạy tốc độ 40km/h? Thực tế, tôi yêu cầu hết đoạn đường cong này phải cắm biển trả lại tốc độ chạy tàu bình thường trên đường thẳng để rút ngắn thời gian chạy tàu”. - Ông Thành nói.
Ong cũng cho biết thêm, năm 2016 sẽ tiếp tục rà soát để vuốt dốc siêu cao, tăng tốc độ chạy tàu bằng cách tăng tốc tại từng khu gian; Tập trung đồng nhất tải trọng cầu đường tuyến Bắc - Nam. Tất cả các điều này được triển khai đồng bộ để từ đó nâng tốc độ tàu và rút ngắn hành trình.
Thực tế cho thấy, trong năm 2015, một số tuyến đường sắt đã được rút ngắn hành trình bằng những giải pháp này, tiết kiệm được thời gian cho hành khách và đang dần lấy lại được vị thế.
Đơn cử như tuyến tàu Hà Nội - Lào Cai đã rút ngắn được hơn 1 giờ hành trình tàu chạy. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã rút từ 3,5 giờ còn 2,5 giờ, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn rút từ 7,5 giờ xuống còn 3,5 giờ, tuyến Hà Nội - Thái Nguyên cũng chỉ còn 2,5 giờ hành trình.