(GD&TĐ) - Sáng ngày 16/3, tại tỉnh Lai Châu, vùng thi đua số 1 đã tổ chức Hội nghị với 3 chuyên đề: công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; xây dựng và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ và Thông tư liên Bộ số 47. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển; Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Xuân Phùng; đại diện các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT}, lãnh đạo Sở GD&ĐT của 15 tỉnh miền núi phía Bắc.
Học kỳ I năm học 2012-2013, toàn vùng có 5996 học sinh phổ thông bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,23% (giảm 0,08% so với cùng kỳ năm học trước). 6 tỉnh không có học sinh tiểu học bỏ học: Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Toàn cảnh Hội nghị |
Ưu tiên phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi
Thực hiện Đề án Phổ cập GDMN, các Sở GD&ĐT vùng I đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo lộ trình thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi: Xây dựng phòng học kiên cố cho lớp mẫu giáo 5 tuổi; trang bị đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu; chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các trường mầm non,...
Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 21,12%; mẫu giáo đạt 93,04%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,3%, các tỉnh đạt tỷ lệ huy động 100%: Hoà Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Toàn Vùng có 1.543 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi/tổng số 2.730 xã, phường, thị trấn.
Hòa Bình với 205/210 xã, phường, thị trấn (xã) đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, vinh dự là tỉnh thứ 2 trong cả nước, tỉnh đầu tiên trong Vùng được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào thời điểm tháng 7/2012; Phú Thọ với 266/277 xã đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, là tỉnh thứ 6 trong cả nước, tỉnh thứ 2 trong Vùng được công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi vào thời điểm tháng 12/2012 (sớm hơn mục tiêu Đề án của Chính Phủ 3 năm).
Nhiều tỉnh có cố gắng lớn trong thực hiện công tác phổ cập tiến tới mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm 2013 có 4 tỉnh đăng ký hoàn thành phổ cập MN 5 tuổi: Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc triển khai PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi còn nhiều khó khăn, nhiều nơi cơ sở vật chất, trường, lớp, giáo viên, trang thiết bị chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BGD&ĐT.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDMN đạt hiệu quả chưa cao, công tác tham mưu với chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị còn hạn chế. Việc đôn đốc, chỉ đạo áp dụng các giải pháp để thực hiện kế hoạch phổ cập đúng tiến độ của cấp xã ở một số nơi chưa triệt để dẫn đến tiến độ chung của một địa phương còn chậm so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp của vùng còn thấp, một số tỉnh tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp dưới 15%. Kinh phí dành cho việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi chưa tương ứng với quy mô và tiến độ thực hiện Đề án.
Xây dựng và phát triển hệ thống trường, lớp phổ thông dân tộc nội trú, bán trú
Thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú; công tác xây dựng và phát triển hệ thống trường, lớp phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục củng cố, phát triển phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương, nhiều Sở GD&ĐT đã tích cực trong công tác tham mưu thành lập trường PT DTBT, tiếp tục xem xét các trường có đủ điều kiện theo quy định, tham mưu cho các cấp chuyển đổi từ trường phổ thông thành trường PTDT bán trú Kết thúc học kỳ I, toàn vùng có 416 trường PT DTBT, trong đó tiểu học: 111 trường, THCS: 305 trường.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc.
Sở GD&ĐT Lào Cai là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công nhiều mô hình giáo dục mới: Trường lớp bán trú dân nuôi ở Tiểu học, Mầm non; đặc biệt là bán trú dân tộc học ở trường THPT, ăn ở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện; Giáo dục song ngữ cho học sinh dân tộc Mông,... Các mô hình này đã được Bộ GD&ĐT đánh giá cao; các chuyên gia, cán bộ cốt cán của Lào Cai đã vinh dự được Bộ GD&ĐT cử đến các tỉnh khác để hướng dẫn triển khai.
Tích cực tham mưu cho tỉnh và phối hợp với chính quyền các địa phương để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.
Công tác tuyển sinh theo hệ cử tuyển, chính quy theo địa chỉ sử dụng được thực hiện tốt, từng bước nâng cao chất lượng, góp phần tăng nguồn nhân lực là con em người dân tộc thiểu số của các tỉnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, duy trì đi học chuyên cần ở vùng cao, vùng khó khăn còn thấp; đặc biệt, tỷ lệ học sinh bỏ học có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương vùng cao,...
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo |
Tham mưu tổ chức thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ và Thông tư liên Bộ số 47
Các Sở GD&ĐT đã chủ động, tích cực tham mưu phân cấp quản lý theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV; xây dựng, ban hành được Quy chế phối hợp giữa ngành giáo dục với UBND các huyện, thành, thị về quản lý GD&ĐT, tiêu biểu là Lạng Sơn, Hoà Bình, Điện Biên,... Hiện còn Sở GD&ĐT Lai Châu và Hà Giang đang đề nghị UBND tỉnh ra quyết định phân cấp quản lý theo Nghị định 115 và Thông tư liên tịch số 47.
Tuy nhiên, phần lớn các tỉnh mới ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo, chưa thực hiện được phân cấp quản lý theo đúng Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 47 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT: Các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp (không bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập của các Bộ đóng trên địa bàn) vẫn do UBND tỉnh quản lý. Chưa hướng dẫn UBND cấp huyện quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Chúng ta đang thực hiện Kết luận 5 của Hội nghị TW lần thứ VI gắn với các nhiệm vụ trọng tâm: Phổ cập GDMN 5 tuổi, phổ cập GD THCS, phân luồng HS, tập trung tháo gỡ khó khăn cho HS dân tộc thiểu số vùng khó, phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú; Nâng cao chất lượng đội ngũ GV, trong đó đặc biệt quan tâm tới chất lượng đội ngũ GV vùng khó; Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng XHHT, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng GDTX, nhiệm vụ xóa mùa chữ.
Qua Hội nghị này Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu và sáng kiến của các đại biểu. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh trong học kỳ 2 các tỉnh cần tập trung triển khai tốt nhiệm vụ năm học, nghiêm túc trong hoạt động thi cử, yêu cầu giải quyết tiêu cực trong đào tạo, thi cử, thu chi cũng như dạy thêm, học thêm.
Một số kiến nghị, đề xuất: - Sở GD&ĐT Bắc Giang: Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 49/201/NĐ-CP để giải quyết những bất cập hiện nay (về đối tượng, trình tự thủ tục, cơ quan thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập) cho phù hợp, thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Nghị quyết 35/2009/NQ-QH 12. - Sở GD&ĐT Cao Bằng: Đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT tăng cường, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho tỉnh thực hiện phổ cập GDMN, Đề án phát triển hệ thống trường DTNT, xây dựng nhà vệ sinh và nước sạch trường học… - Sở GD&ĐT Lào Cai: Bộ GD&ĐT trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với GV đã hoàn thành nghĩa vụ ở khu vực đặc biệt khó khăn để họ yên tâm công tác lâu dài vì việc thực hiện chế độ luân chuyển của tình còn nhiều khó khăn…vv. |
Việt Hoa