Tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục

Tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục

(GD&TĐ)-Bàn về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, GS.TS.Phan Văn Kha – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là phủ định tất cả, làm lại từ đầu, mà cần xem xét, kế thừa những mặt tốt, cần có những đổi mới, thay đổi để khắc phục những hạn chế, cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 1

Theo GS.TS.Phan Văn Kha, đổi mới căn bản và toàn diện được hiểu là đổi mới những vấn đề cốt yếu, khâu then chốt, lớn, buộc phải làm, khả thi, khâu đột phá chi phối quá trình phát triển để kiến tạo mô hình giáo dục mới phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Để phát triển bền vững cần đổi mới từ trong cách nghĩ, cách làm, trong tư duy (nhận thức, triết lí, quan điểm) đến mục tiêu, sứ mạng của giáo dục, và hành động, đổi mới các mặt, các thành tố cơ bản của giáo dục phù hợp với năng lực hiện tại của hệ thống và những cơ hội, thách thức, rào cản do bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và do hội nhập quốc tế mang lại. Chuẩn hóa và hiện đại hóa các thành tố của giáo dục; Đảm bảo giáo dục là của toàn dân, của toàn xã hội, toàn xã hội có trách nhiệm đối với giáo dục, đảm bảo cho mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục; hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy bản sắc dân tộc, tự chủ, định hướng XHCN.

PV. Theo GS, nền giáo dục Việt Nam cần có mục tiêu, giải pháp và các bước đi như thế nào nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế?

GS.TS.Phan Văn Kha: Ngày 13/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 711/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”. Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu, giải pháp và các bước đi của nền giáo dục Việt Nam nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Chiến lược đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: Nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập.

Chiến lược đã xác định các mục tiêu cụ thể về quy mô, chất lượng và công bằng xã hội, với những chỉ tiêu cần đạt đối với từng cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Giải quyết bài toán tương quan giữa phát triển quy mô với nâng cao chất lượng, trong đó xác định mục tiêu ưu tiên của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 là tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Để đạt được mục tiêu chiến lược, cần thực hiện tốt 8 giải pháp: Đổi mới quản lý giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; Tăng cường các nguồn đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục; Tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; Phát triển khoa học giáo dục; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.

Trong số 8 giải pháp chiến lược, giải pháp 1 về “Đổi mới quản lý giáo dục” được chọn làm giải pháp đột phá, giải pháp 2 về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” là giải pháp then chốt.

PV. Theo GS, giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 sẽ có những thời cơ và thách thức như thế nào?

GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KH-GD Việt Nam
GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KH-GD Việt Nam

GS.Phan Văn Kha: Giáo dục nước ta trong thập kỷ tới phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế tri thức ngày càng phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của các nền giáo dục trên thế giới. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2011 - 2020 sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thuận lợi to lớn, đồng thời cũng phát sinh nhiều nguy cơ, thách thức, khó khăn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục.

Các cơ hội và thách thức cũng đã được xác định cụ thể trong Chiến lược lần này để có những giải pháp phát huy/tận dụng triệt để những thời cơ, những thuận lợi, đồng thời khắc phục và vượt qua các thách thức, khó khăn trong quá trình phát triển giáo dục.

Về thời cơ, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm vừa qua và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, cùng với Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực trong thời kỳ dân số vàng là tiền đề cơ bản để ngành giáo dục cùng các bộ, ngành, địa phương phát triển giáo dục.

Cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để đổi mới cơ bản nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, tiến tới một nền giáo dục điện tử đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân người học.

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển giáo dục.

Về thách thức, ở trong nước, sự phân hóa trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng rõ rệt, gây nguy cơ dẫn đến sự thiếu bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, gia tăng khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền và cho các đối tượng người học.

Nhu cầu phát triển nhanh giáo dục đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế theo chiều sâu tri thức với công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, trong khi đó nguồn lực đầu tư cho giáo dục là có hạn, sẽ tạo sức ép đối với phát triển giáo dục. 

Nguy cơ tụt hậu có thể làm cho khoảng cách kinh tế, tri thức, giáo dục giữa Việt Nam và các nước ngày càng gia tăng. Hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường làm nảy sinh những vấn đề mới, như nguy cơ xâm nhập của văn hóa và lối sống không lành mạnh làm xói mòn bản sắc dân tộc, dịch vụ giáo dục kém chất lượng có thể gây nhiều rủi ro lớn đối với giáo dục đặt ra yêu cầu phải đổi mới cả về lý luận cũng như những giải pháp thực tiễn phù hợp để phát triển giáo dục.

PV.GS có thể cho biết Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 có những điểm mới như thế nào?

GS.Phan Văn Kha: Ngoài những điểm mới trong quan điểm phát triển giáo dục, trong mục tiêu phát triển giáo dục thì các giải pháp Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đều có những điểm mới rõ rệt so với các giải pháp của Chiến lược 2001– 2010, cụ thể:

Thực hiện thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục; hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Thực hiện đồng bộ việc phân cấp quản lý giáo dục. Hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý giáo dục theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ quốc gia tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo phân luồng trong hệ thống và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Thực hiện quản lý theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; vận dụng hiệu quả các quy luật và công cụ của thị trường để phát triển giáo dục. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình và cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Lấy chất lượng làm trọng tâm, tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục. Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng; công khai về chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Triển khai hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học. Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đánh giá quốc gia và công bố kết quả trước xã hội. Trước mắt, đối với giáo dục phổ thông, thực hiện đánh giá định kỳ và từng bước tham gia đánh giá quốc tế về chất lượng.

Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm về mô hình, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ giáo viên có chất lượng, đặc biệt về năng lực sư phạm, sử dụng được tin học và ngoại ngữ trong công việc. Tập trung phát triển các trường đại học sư phạm và đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Từng bước đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông mới, dạy học 2 buổi/ngày, dạy ngoại ngữ, giáo viên tư vấn học đường và hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và giáo viên giáo dục thường xuyên. Triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo các chương trình tiên tiến quốc tế.

Phân tầng chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đại học; xây dựng và phát triển các chương trình, mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, trọng điểm, chất lượng cao. Phát triển hệ thống các trường phổ thông chuyên; xây dựng một số cơ sở và chương trình giáo dục đại học, dạy nghề đạt trình độ quốc tế nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tập trung vào việc tạo ra động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh; thu hút các nhà khoa học, các giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường đại học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi theo học ngành sư phạm.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đầu tư tập trung, không bình quân dàn trải, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó. Có chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính cho một số cơ sở giáo dục Việt Nam đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; quy định trách nhiệm, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển đào tạo nhân lực.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương.

Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương; chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông; tăng cường áp dụng các chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới đối với giáo dục nghề nghiệp và đại học; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.

Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học giáo dục, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục Quốc gia; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục cao cấp nhằm triển khai nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, quản lý cơ sở giáo dục và quá trình dạy học.

Tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng, với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Nhà nước quy định trách nhiệm và cơ chế phù hợp để khuyến khích mở rộng các hình thức, nội dung hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia và quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo.

PV. Tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 là gì thưa GS?

GS.Phan Văn Kha: Có thể nói người học là tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020. Điều này được khẳng định ở quan điểm phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 “Phát triển giáo dục vừa đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…, đồng thời vừa phải thỏa mãn nhu cầu học tập và phát triển của mỗi người học, những người có năng khiếu được phát triển tài năng”.

Với quan điểm và mục tiêu như đã đề cập, Chiến lược đã đề cập tới nhiều giải pháp hướng vào người học, từ việc đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm tạo cơ hội cho mỗi người học được học những gì gắn với chuẩn mực chung, nhưng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện học tập của mình, nhằm phát triển và hoàn thiện tố chất cá nhân.

Đồng thời, Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân: hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên, thông qua việc thực hiện cơ chế học bổng, học phí, tín dụng và mở rộng hệ thống đào tạo dự bị đại học cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và thuộc diện chính sách xã hội; hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, trẻ em các dân tộc rất ít người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố, như cung cấp sách giáo khoa và học phẩm miễn phí, giảm giá bán sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở các vùng cao, vùng sâu vùng xa; chú trọng đến công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng và có chế độ học bổng khuyến khích cho các học sinh, sinh viên xuất sắc.
   
Tóm lại, tư tưởng xuyên suốt từ quan điểm đến mục tiêu và các giải pháp Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 là ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục; người học là tâm điểm của chiến lược, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của mỗi người học; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập; phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.       

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ