Tạo hình thành ngực cho bệnh nhân có khối u to bất thường

GD&TĐ - Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) vừa cắt bỏ trọn vẹn khối u vú to bất thường và tạo hình ngực thành công cho một bệnh nhân nữ (40 tuổi, ở Phú Thọ).  

Cùng lúc, bác sĩ đã bóc tách khối u và tạo hình thành ngực cho bệnh nhân
Cùng lúc, bác sĩ đã bóc tách khối u và tạo hình thành ngực cho bệnh nhân

Bệnh nhân từng có khối u lành tính tuyến vú bên trái, đã được xử trí cắt bỏ cách đây 4 năm. Tuy nhiên, khối u này chưa được xử lý toàn bộ mà vẫn tiếp tục phát triển. Một năm nay, khối u vú bên trái tăng kích thước nhanh bất thường, khiến bộ ngực của chị bị lệch hẳn sang bên trái. Điều này đã ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chị, nhất là vấn đề thẩm mỹ. Bệnh nhân cũng thường xuyên chịu cảm giác đau ngực trái, đau lan lên vùng cổ và gây khó thở…

Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm, chụp CT, sinh thiết khối u... Kết quả cho thấy, khối u có ranh giới rõ ràng, hệ thống cung cấp máu cho khối u rất phong phú đặc biệt là hệ thống tĩnh mạch. Kết quả sinh thiết cho biết đây khối u lành tính tuyến vú... Theo ThS.bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, những biểu hiện lâm sàng, cùng với sự phát triển của khối u, các bác sĩ đã nghĩ đến khối u lành tính tuyến vú hay còn gọi là u diệp thể (Phyllode tumor). Vì thế, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) đã quyết định cùng lúc cắt bỏ trọn vẹn khối u “khủng” và tạo hình là ngực cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật kéo dài trong 3 giờ. Các bác sĩ đã cắt bỏ trọn vẹn khối u nặng gần 2.000 gram và tạo hình ngực thành công. Theo ThS Minh, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho bệnh nhân có khối u vú to bất thường khó hơn và rất khác biệt so với bệnh nhân phẫu thuật tạo hình thu gọn vú thông thường.

Nguyên nhân do khối u phát triển quá lớn, gây chèn ép thiểu sản phần tuyến vú lành tính, ngoài ra các mạch máu ở vùng ngực cũng phát triển theo. Vì thế trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ phải vô cùng cẩn trọng trong việc cầm máu và giảm thiểu khả năng gây mất máu cho bệnh nhân. Hơn nữa, độ sa trễ tuyến vú quá lớn, đã đẩy quầng núm vú ra rất xa khiến việc tạo hình vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải dựng hình mạch nuôi phần tuyến vú còn lại và đơn vị quầng núm vú. Để sau khi cắt bỏ khối u, các bác sĩ vẫn có thể bảo tồn toàn bộ da tuyến vú còn lại cũng như đơn vị quầng núm vú nhằm tạo hình lại ngực cho bệnh nhân tương đồng với phần ngực bên phải.

Được biết, u diệp thể là một bệnh lý hiếm gặp chiếm từ 0,3 - 0,9% trong tổng số các khối u vùng vú. Việc chẩn đoán xác định bệnh lý này và thể bệnh là rất quan trọng, để từ đó các bác sĩ có thể đưa ra được phương án điều trị thích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ