Tăng trưởng tín dụng ở mức đáng lo ngại

Tăng trưởng tín dụng ở mức đáng lo ngại

(GD&TĐ)-Con số -2,13% của tăng trưởng tín dụng trong ba tháng đầu năm (tính đến thời điểm 20/3/2012) theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tới Chính phủ cho thấy tăng trưởng tín dụng đang thực sự là một thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện này.

Ông
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: ba tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm 2,13% (ảnh Hồng Anh)

Như vậy, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% - 17% như kế hoạch đề ra cho năm nay sẽ rất khó khăn. Theo đó, cân đối các mục tiêu vĩ mô sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế (dù đã xác định khá khiêm tốn).

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì ba tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm 2,13%, tức 9 tháng còn lại để đạt định hướng 15% - 17% thì phải tăng khoảng 18% - 19%.

Báo cáo Ủy ban Giám sát cũng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí tài chính do lãi suất quá cao như vậy. Tỷ lệ chi phí lãi vay/giá thành của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã tăng từ 2,93% năm 2010 lên 3,61% năm 2011. Tương ứng, tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành tăng 4,72% lên 5,56%.

Hiện tại, lãi suất tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân tại Ấn Độ chỉ khoảng 10%, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4%... Nếu giả định yếu tố khác không đổi, giá thành các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với Ấn Độ là 2%, với Thái Lan là 2,51%, Trung Quốc là 2,6%, so với Singapore cao hơn là 2,8%...

Để thúc đẩy được tín dụng tăng trưởng trở lại một cách hợp lý, bám sát chỉ tiêu định hướng, yêu cầu đặt ra là vẫn phải giải được bài toán giảm lãi suất.

Kiến nghị của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trước mắt cần cân nhắc cơ chế linh hoạt và giải pháp cho vay đối với các doanh nghiệp có tiềm năng, nhưng đang phát sinh nợ quá hạn do chịu tác động của bất ổn định kinh tế vĩ mô. Đề nghị xem xét cho khoanh nợ đối với các doanh nghiệp này thuộc lĩnh vực sản xuất thiết yếu để tạo điều kiện doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Còn theo nhận định của giới chuyên gia, điều hành chính sách tín dụng tăng trưởng âm như vậy thì tất yếu kinh tế sẽ suy thoái và việc tăng trưởng 4% là điều không thể không xảy ra (quý 1/2012, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4%).

Chỗ nghẽn hiện nay là nền kinh tế không hấp thụ được, bị nghẽn từ hệ thống dòng vốn. Yêu cầu hiện nay là xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, để góp phần khơi thông dòng vốn bên cạnh yếu tố lãi suất và cả vấn đề xem xét lại các điều kiện cho vay.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất, cần xem xét các doanh nghiệp ở các lĩnh vực có triển vọng, qua phân loại, để có biện pháp cơ cấu lại nợ, xét khoanh nợ và cho vay, cũng như sớm tổ chức việc mua bán nợ như Nghị quyết 13 của Chính phủ đề ra.
 

Hải Minh-Hồng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ