Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020: Thấp nhất giai đoạn 2011 - 2020

GD&TĐ - Tại họp báo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020, sáng nay (29/9), Tổng cục Thống kê công bố: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, thấp nhất trong 10 năm qua.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, khu vực dịch vụ tăng 1,37%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu nguyên nhân tăng trưởng chậm và nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì mức tăng trưởng GDP 2,12% là một thành công lớn trong phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,62% vào tăng trưởng GDP cả nước, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 53,35%, khu vực dịch vụ đóng góp 28,03%.

Chỉ tính riêng trong quý 3, tăng trưởng GDP đạt 2,62%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, khu vực dịch vụ tăng 2,75%.

Trong tháng 9/2020 cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký là 203.300 tỉ đồng, giảm 29,6%, số lao động đăng ký 83.000 lao động, giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 389 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 203 tỷ USD, nhập khẩu đạt 186 tỷ USD. Việt Nam cũng xuất siêu gần 17 tỷ USD thời gian qua.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 1.947 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10,4 tỷ USD.

Về tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp, số đơn vị thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chịu ảnh hưởng từ đại dịch nhưng đa số doanh nghiệp chọn ngừng kinh doanh thay vì rời khỏi thị trường. Số doanh nghiệp thuộc trường hợp này tăng tới 82%, đạt 38.700 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể giảm 2,4%, còn số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể chỉ tăng 0,1%.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12/2019, đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Mức tăng chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt và giá gạo trong nước tăng.

Trong mức tăng 0,12% của CPI tháng 9 so với tháng trước, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất. CPI bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Với giá vàng, chỉ số này tháng 9 giảm 0,33% so với tháng trước nhưng tăng tới 32,37% so với tháng 12/2019 và tăng 30,33% so với cùng kỳ năm trước. Theo cơ quan thống kê, giá vàng giảm trong tháng 9 do các nhà đầu tư bán ra chốt lãi sau thời gian tăng mạnh.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động việc làm quý 3 đã được cải thiện so với quý 2. Trong quý 3 có 1,3 triệu người thiếu việc làm, đây là những người làm việc dưới 35 giờ/tuần, giảm 81,4 ngàn người so với quý trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...