Tăng lương, cần tăng hiệu quả công việc

GD&TĐ - Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở đã chính thức được điều chỉnh từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định đối với người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Chất lượng lao động vẫn luôn là vấn đề cần đặt ra với người lao động trẻ
Chất lượng lao động vẫn luôn là vấn đề cần đặt ra với người lao động trẻ

Đây là một tin vui lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đối tượng những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn, người về hưu và đối tượng người có công.

Có thể nói trong bối cảnh điều kiện ngân sách quốc gia khó khăn, nợ công còn lớn thì đây là sự cố gắng lớn của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động.

Chính vì thế không chỉ Nhà nước mà nhân dân cũng đều mong muốn việc tăng lương cũng cần phải được tăng tương xứng với năng suất, chất lượng công việc. Bởi thực tế vẫn còn không ít nơi cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước không chỉ làm việc thiếu tích cực, mà vẫn còn giữ nguyên tư tưởng bảo thủ trong cách nghĩ, thiếu sự năng động trong cách làm; thậm chí có nhiều cán bộ, viên chức làm việc quan liêu, tác phong chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm... dẫn đến sự trì trệ về phương thức hoạt động trong các cơ quan hành chính, làm tổn hại đến lợi ích của người dân.

Chúng ta đều biết, tiền lương là tổng sản phẩm xã hội được phân phối để đảm bảo quá trình tái sản xuất sức lao động cho người lao động, vậy nên tiền lương phải gắn với năng suất lao động. Năng suất lao động thấp mà tiền lương lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là trái quy luật.

Vì thế, việc tăng tiền lương cũng đòi hỏi chính ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vào việc phải tăng hiệu suất, chất lượng công việc tương xứng. Hay nói cách khác tiền lương phụ thuộc vào chính sự tương xứng với năng lực, kết quả hoạt động, năng suất lao động của cá nhân, đơn vị và xã hội.

Điều đó cũng đồng nghĩa là mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tích cực lao động, thể hiện sự năng động của mình, chủ động trong lao động, sự sáng tạo, có trách nhiệm trong giải quyết công việc và trong các mối quan hệ với đồng nghiệp và với người dân.

Đặc biệt đối với mỗi cơ quan, đơn vị cần gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tiếp tục tiết giảm các khoản chi hành chính cho tổ chức hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài, tiếp khách, các lễ khởi công, khánh thành, lễ hội tốn kém và mua sắm trang thiết bị đắt tiền... Từ đó, có thể linh hoạt mức tăng lương, thời gian điều chỉnh và đối tượng được tăng lương, ưu tiên nhóm đối tượng làm việc có năng suất, chất lượng cao, tạo hiệu ứng tác động lan tỏa tốt và bảo đảm quyết định vai trò, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Nhất là phải làm cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình thấy rõ việc tăng tiền lương một mặt để nâng cao đời sống, nhưng cũng chính là một trong những nhân tố để tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc. Đó chính là cái gốc của vấn đề, là điều kiện tiên quyết để nâng cao tính tích cực lao động của cán bộ, công chức và người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ