Tân nữ tiến sĩ cao tuổi nhất thế giới

GD&TĐ - Bảy mươi năm sau khi bị từ chối cấp bằng tiến sĩ với lý do “con của một người mẹ Do Thái”, nữ bác sĩ nhi khoa Ingeborg Syllm-Rapoport cuối cùng cũng đã được cấp học vị tiến sĩ ở tuổi 102 và trở thành người lớn tuổi nhất thế giới tính tới hiện tại được công nhận học vị này.

Tân nữ tiến sĩ cao tuổi nhất thế giới

Chuyện bắt đầu từ năm 1938, chính quyền phát xít đã không cho phép Ingeborg bảo vệ luận văn tiến sĩ với lý do mẹ của bà là một người Do Thái. Tới gần 8 thập kỷ sau, qua nhiều nỗ lực, vị bác sĩ nhi khoa chuyên ngành chăm sóc trẻ sơ sinh Ingeborg đã có thể vượt qua những rào cản cuối cùng, vượt qua bài kiểm tra vấn đáp và được nhận bằng tiến sĩ tại buổi lễ kỷ niệm của Đại học Hamburg vào tuần vừa rồi.

Burkhard Goke, Giám đốc y khoa của Bệnh viện Đại học Hamburg cho biết: “Sau gần 80 năm, cuối cùng thì một số khía cạnh của công lý đã được khôi phục. Chúng ta không thể quay lưng với những bất công trong quá khứ, nhưng những hiểu biết sâu sắc trong quá khứ đã định hình nhận thức của chúng ta trong tương lai”.

Phát biểu tại buổi lễ nhận bằng, TS Syllm-Rapoport nhấn mạnh rằng, tất cả những nỗ lực trong suốt nhiều năm qua của bà không phải dành cho bản thân, nhưng dành cho tất cả những người đã phải chịu đựng những bất công dưới chế độ Đức Quốc xã.

Được biết sau khi lên nắm quyền vào năm 1933, chính quyền phát xít đã dần tước bỏ quyền bầu cử của người Do Thái, trục xuất họ khỏi các trường đại học, các trường học và thậm chí các giáo sư cũng bị đuổi khỏi trường trước khi chết trong các trại tập trung khắp châu Âu.

Năm 1938, Syllm-Rapoport đang nghiên cứu về bệnh bạch hầu cho luận văn tiến sĩ, người cố vấn của bà là Giáo sư Rudolf Degkwitz đã viết một lá thư nói rằng ông sẽ chấp nhận nghiên cứu của bà nếu nó không vi phạm luật về chủng tộc của phát xít. Bởi thế, ông cho rằng “việc chấp nhận thụ phong Syllm-Rapoport học vị tiến sĩ là bất khả thi”.

Sau đó, Syllm-Rapoport đã di cư tới Mỹ, khi không có bất cứ một học vị nào vào năm 1938. Sau khi nộp đơn vào nhiều trường đại học của Mỹ, bà đã hoàn thành được cấp bằng và làm bác sĩ nhi khoa. Sau đó bà cùng với chồng là một nhà xã hội học chuyển tới ở tại Đông Berlin vào năm 1952. Tại đây, bà mẹ của 4 đứa con đã trở thành Trưởng khoa chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đại học Charité, Berlin (Đức).

Khi được hỏi về bài thi vấn đáp cuối cùng của Syllm-Rapoport vào tháng trước cũng chủ đề bệnh bạch hầu như luận án tiến sĩ gần 80 năm trước của bà, Uwe Koch-Gromus, Hiệu trưởng khoa Y của Đại học Hamburg cho biết: “Bà là một người tài giỏi và không chỉ vì độ tuổi của bà. Chúng tôi rất ấn tượng với sự minh mẫn và trí tuệ của bà, và không cần nói tới kiến thức chuyên môn, bà còn am hiểu về y học hiện đại”. Cuối cùng, bà đã nhận được học vị với cấp độ magna cum laude (with great honor, cấp 2/3 cấp độ phổ biến nhất trong thang vinh danh học vị bằng tiếng Latinh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?