Tàn đời vì shisha

Tàn đời vì shisha

Sau hơn một năm chơi shisha, Huy đã trở nên ngây ngây dại dại, người lúc nào cũng lờ đờ và có nhiều biểu hiện của chứng tâm thần.

Hút shisha sẽ gây ra những hậu quả khôn lường
Hút shisha sẽ gây ra những hậu quả khôn lường
 

Ngây dại vì shisha

Với khuôn mặt điển trai, vóc người cân đối, bệnh nhân Huy tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Thanh Đa (Bình Thạnh, TPHCM) ngồi thu lu một góc trong phòng cách ly. Thấy có người đến bắt chuyện, Huy kể với giọng lơ lớ rằng mình rất khỏe mạnh nhưng “tự nhiên” bị bố mẹ ép vào.

Thế nhưng, theo các bác sĩ tại đây, cách đây hơn 5 tháng, Huy được đưa vào trong tình trạng hoảng loạn, điên cuồng đánh trả những người xung quanh. Có những lúc, Huy thường đứng hàng giờ trong nhà vệ sinh và nói những tiếng “xì xà xì xồ” không ai hiểu được. Kết quả kiểm tra cho thấy, Huy dương tính với Amphetamine – một loại ma túy tổng hợp.

Theo người nhà, Huy 33 tuổi, là Việt kiều Pháp về Việt Nam sinh sống được hơn 2 năm nay. Khi còn sống bên Pháp, Huy đã từng nhiều lần tụ tập cùng bạn bè và sa chân vào sử dụng các loại chất kích thích như bồ đà, shisha.

Sau những cuộc vui ấy, Huy thường có những biểu hiện chống trả những người xung quanh và hay nói chuyện một mình khiến gia đình lo lắng. Để giúp con trai thoát hẳn tình trạng này, gia đình đã đưa Huy về Việt Nam để cách ly với đám bạn.

Thế nhưng, “ngựa quen đường cũ”, về Việt Nam, Huy vẫn tiếp tục lén lút gia đình mua shisha và bồ đà về để hút. “Chính ra mua bên Việt Nam lại còn dễ hơn bên Pháp nhiều. Cứ ra một chợ nhỏ ở đường Nguyễn Trãi (Quận 5) thì tha hồ mà lựa chọn bồ đà với giá rất mềm, chỉ 50.000 đồng/bịch, dùng cho 5 – 6 ngày. Còn shisha thì chẳng cần vào quán bar làm gì. Cứ ra vỉa hẻ, khu phố Phạm Ngũ Lão (Quận 1) nhiều lắm” - Huy thản nhiên nói.

Cũng giống như Huy, Thắm, 26 tuổi cũng luôn miệng nói mình không bị làm sao nhưng bố mẹ cứ bắt vào Trung tâm cai nghiện bằng được, dù kết quả kiểm tra cho thấy Thắm dương tính với Amphetamine. Thắm tâm sự, cô chỉ hút shisha có vài ba lần dưới sự dẫn dắt của những người bạn “nhí” mới 12 – 13 tuổi đầu.

“Mấy đứa dắt em đến phố Phạm Ngũ Lão cho hút thử. Lần đầu hút thì ho sặc sụa nhưng đến lần thứ 2 thì thấy thơm mùi hoa quả nên thích. Mấy đứa nhỏ nhả khói ra quá trời". Ở trong nhóm có  lẽ em là người già nhất, còn lại toàn 12 – 13 tuổi thôi à”, Thắm hồn nhiên nói.

Quán bắt đầu hoạt động lúc 19h tối, những tầm 21h là đông nhất nhiều khi không có chỗ ngồi phải ngồi tận ra cả ngoài đường.

Đến khi Thắm vào làm ở một vũ trường Q.1 thì cơ hội được tiếp xúc với shisha nhiều hơn. Thắm kể: “Ở đây em mịt mù khói shisha, phê lắm. Để tăng đô, bọn nó bỏ thêm một thứ chất gì đó vào trong bình em hút. Cứ thế, cứ thế…”, Thắm mơ màng.

Khác với Thắm và Huy, bệnh nhân Thanh tỏ vẻ biết lý do vì sao mình bị vào đây hơn. Theo Thanh, do buồn chán chuyện gia đình nên đã lao vào hàng “đá” và các chất gây nghiện như shisha. Những ngày đầu, khi hút xong, Thanh càng say mê đánh bài và chơi game. Cho đến một ngày, các ảo giác liên tục xuất hiện, Thanh trở nên hoảng loạn và đã quyết định nói với bố mẹ đưa vào Trung tâm.

Thanh buồn bã nói: “Dù đã điều trị được hơn 3 tháng nhưng tôi vẫn cảm thấy trong người như thao thức một cái gì đó, chân tay bủn rủn”.

Liệu có cấm được shisha?

Trao đổi với PV, bác sĩ Lê Thị Kim Thi - Trưởng khoa Chống tái nghiện - cho biết: Shisha thực chất là một loại cỏ có xuất xứ từ Ả Rập, có tẩm các hương liệu trái cây. Ở Việt Nam, shisha được dùng như một loại thuốc lào, thuốc lá nhưng gây cảm giác khoan khoái và “phê” hơn nhiều.

Shisha tác động trực tiếp vào đường hô hấp. Nếu hút trong vòng một giờ, lượng khói hút vào cơ thể sẽ cao hơn 150 lần lượng nicotin, cao hơn 70% so với hút thuốc lá. Từ đó, người hút shisha còn có nguy cơ hít độc chất từ hắc ín gồm monoxide carbon, các kim loại nặng và các chất gây ung thư gấp 100 lần so với hút thuốc lá…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phan Minh - Phó Giám đốc Trung tâm, nếu chỉ hút shisha không thì tác hại sẽ không quá lớn. Nhưng thông thường, đã là “dân chơi” hút shisha thì họ thường bỏ vào mỗi bình hút thêm các chất khác như heroin, rượu… để tăng độ “phê”. Chính những chất này cộng với shisha mới gây ra những tác hại khôn lường.

Trước tác hại của shisha, tháng Bảy vừa qua, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu đưa thuốc shisha vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thi, rất khó để đưa shisha vào nhóm cấm như ma túy. Bởi cho đến nay, ngành y tế vẫn chưa xác định rõ ràng nên cho shisha vào nhóm ma túy tổng hợp hay chỉ là những chất gây kích thích.

Song bác sĩ Thi cũng khuyến cáo, giới trẻ không nên dùng shisha dù chỉ một lần. Bởi dùng lần một chắc chắn sẽ có lần hai và dẫn tới lạm dụng shisha và nghiện lúc nào không hay.

Theo Thúy Ngà
Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ