Tấm gương từ tuyến đầu chống dịch

Tấm gương từ tuyến đầu chống dịch

800 phần nước cam tươi và bánh đầu tiên đã gửi đến đội ngũ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và trong thời gian tới, hàng nghìn phần tương tự sẽ tiếp tục đến với đội ngũ y tế tuyến đầu ở các bệnh viện, khu cách ly trên địa bàn TPHCM.

Đó chỉ là một trong những hành động của giới trẻ TPHCM trong việc chung tay góp sức phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là ý tưởng của doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa cùng đồng nghiệp và bạn bè. Dù một ly nước cam, một phần bánh có thể với nhiều người không là gì, nhưng đây như là món quà nhỏ, là sự tri ân của những người trẻ gửi tới đội ngũ y tế.

Anh Khoa tâm sự: “Từ đầu mùa dịch, với hệ thống công ty trong tập đoàn mình quản lý thật sự có rất nhiều vấn đề mình phải giải quyết và mỗi ngày mỗi phát sinh. Thế nhưng, cách đây khoảng ba ngày, giữa cuộc chiến đại dịch đang vào cao điểm, mình và bạn bè thật sự muốn làm gì đó. Mình có vườn cam chuẩn hữu cơ Vietgap sẵn, nếu chỉ tặng cam thì liệu các y, bác sĩ có thời gian vắt để uống không. Vậy là mình cùng bạn bè quyết định tặng nước cam. Khi tặng nước cam mới nghĩ tại sao không tặng thêm bánh để các y, bác sĩ đủ năng lượng hơn. Bánh cũng của công ty trong tập đoàn của mình chuyên gia công cho các hệ thống siêu thị, tất cả là “của nhà trồng được”.

Sau Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, hành trình 10.000 phần bánh, nước cam tươi sẽ đến các nơi: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, các khu cách ly tập trung ở Nhà Bè, quận 12, ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM.

Nhóm “Ngôi trường ước mơ” đã vận động những khẩu trang chuyên dụng và quần áo bảo hộ y tế từ chính các gia đình để dành tặng các bác sĩ đang đương đầu với hiểm nguy. 600.000 chiếc khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn đang được một doanh nhân Việt kiều trao tận tay đến những bác sĩ ở các bệnh viện Trung ương trên toàn quốc. Tại nơi tuyến đầu chống dịch, với nguy cơ lây nhiễm cao, những chiếc khẩu trang y tế chuyên dụng này chính là vũ khí giúp các nhân viên y tế bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.

Bên cạnh những chiếc khẩu trang, những bộ đồ bảo vệ, nhiều người cũng quan tâm đến bữa ăn của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế. ABC Bakery đã sản xuất hơn 3.000 chiếc bánh mỳ siêu dinh dưỡng để dành tặng bệnh viện dã chiến ở Bình Dương. Đó là bánh mỳ đen bổ sung thêm nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe như hạt óc chó, nho khô, phô mai. Mỗi một ổ bánh mỳ sẽ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho một ngày làm việc cực nhọc của họ.

Tại Nghệ An, hai bé gái Trần Bảo Ngân (7 tuổi) và Trần Bảo Trân (6 tuổi) đã ủng hộ hơn 14 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An. Đây là số tiền tiết kiệm lì xì từ hai con heo đất được hai chị em Ngân “nuôi” 5 năm qua.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương - mẹ hai bé - cho biết vài ngày trước, con gái tình cờ đọc bức thư của nữ sinh lớp 4 ở Hà Nội gửi Thủ tướng bày tỏ nguyện vọng tham gia cùng Thành đoàn đi phát khẩu trang và quyên góp hơn 3 triệu đồng để chống Covid-19. “Đọc xong thư, con gái nói với chúng tôi muốn góp sức nhỏ của mình, đồng thời vận động em gái đập hai con heo đất mà hai chị em dành dụm từ tiền lì xì trong 5 năm qua”, chị Phương kể.

Câu chuyện mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi) ở Đà Nẵng dành dụm tiền tiêu vặt, tiền mừng tuổi được 5 triệu đồng rồi mang gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ đang ở tuyến đầu để “chống giặc” Covid-19 khiến nhiều người cảm động. Mẹ Chi vốn quê ở Thăng Bình (Quảng Nam). Đất nước chiến tranh, chồng và con trai cả lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc và lần lượt hi sinh vào năm 1968 và 1971. Nén đau thương, mẹ Chi một mình gắn bó với đồng ruộng nuôi 4 người con trưởng thành.

Mẹ Chi kể, xem trên tivi, thấy y tá, bác sĩ vất vả ngày đêm để cách ly, chữa trị người bệnh nên muốn giúp đỡ, đóng góp để cổ vũ tinh thần, mong sao đất nước hết dịch bệnh, cuộc sống bình yên trở lại. Số tiền 5 triệu đồng mẹ ủng hộ, là tiền tiêu vặt con cháu cho và tiền mừng tuổi mẹ dịp Tết vừa qua. Ban đầu, mẹ tính dành dụm để sửa sang, xây lại mộ cho chồng, con là hai liệt sĩ Trần Hảo và Trần Văn đang yên nghỉ tại nghĩa trang gia tộc ở quê.

“Ngày xưa vất vả khó khăn, Nhà nước chăm lo cho mẹ rồi. Nay đất nước có dịch bệnh, nhiều người đang vất vả, mẹ thấy thương các bác sĩ ngày đêm nên ủng hộ để sẻ chia cùng con cháu chống dịch. Mẹ già rồi, sống được bao lâu nữa đâu, chỉ mong đất nước mãi yên bình, dịch bệnh chóng qua”, mẹ Chi tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ