Phần lớn các bậc cha mẹ ở Nhật cho rằng, trẻ nhỏ thường xuyên đi chân đất sẽ có sức đề kháng tốt, năng động hơn. Khi có ý kiến đề xuất học sinh nên đi giày trong lớp, nhiều người đã phản đối.
Một nghiên cứu so sánh đã được tiến hành giữa hai nhóm: Trẻ đi giày và đi chân đất ở trường. Trong khu vực vệ sinh vẫn sẽ có dép để cả hai nhóm đi lại.
Sân chơi ở cả hai trường đều được trải đất mềm, không gây hại cho chân. Đồ chơi có chỗ cho tay, chân bám chắc chắn. Trong trường cũng có nơi để các bé rửa chân sạch sẽ trước khi vào lớp.
Theo trang Skeanie, kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy, những học sinh đi chân đất có điểm số tốt hơn, ít nghỉ học, ít quậy phá, ít bị ốm và thích tới trường.
Để tránh các loại rác gây hại cho bàn chân, học sinh được yêu cầu làm vệ sinh trường lớp. Nhờ đó, các em học được cách làm việc theo nhóm, tính kỷ luật, sự sạch sẽ...
Một số người cho rằng, trẻ sẽ nhiễm bệnh khi đi đất. Trên thực tế, các loại nấm cần điều kiện ấm, ẩm, tối như trong đôi giày đẫm mồ hôi để phát triển.
Hiện nay, ở rất nhiều trường mẫu giáo, tiểu học của Nhật, các khoảng sân được làm nền đất nâu hoặc phủ cỏ mềm. Lãnh đạo của trường mong các em nhỏ có thể tiếp xúc gần gũi với tự nhiên hơn.
Nhiều người Nhật tin rằng, bản tính hiền lành của họ chính là do được tiếp xúc nhiều với mặt đất. Trong khi đó, bê tông cứng, nóng vào mùa hè và lạnh buốt khi sang đông.
Nhật không phải là quốc gia duy nhất nhận ra tác dụng của việc đi chân đất. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc không đi giày không gây ra tác hại gì. Những người áp dụng thói quen này cũng cũng ít bị các bệnh về lưng hơn.