Tái dương tính Covid-19 vì… chưa điều trị xong

Tái dương tính Covid-19 vì… chưa điều trị xong

Hiện tượng không bất thường

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân 50 tái dương tính sau quá trình điều trị Covid-19, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay: “Theo tôi, ca bệnh này chưa điều trị xong. Cụ thể là, cơ thể chưa đào thải hết virus, chưa tiêu diệt được hết virus”. Do đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, đó là điều trị “chưa sạch”. “Tính đến nay, chưa có trường hợp nào lây từ người đã điều trị xong trở về cộng đồng được báo cáo”, ông Nga nói thêm.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện trưởng Viện Phát triển Y dược Công nghệ cao, cho biết, việc ghi nhận một số ca tái dương tính sau khi từng âm tính là điều không hề bất thường. “Không chỉ riêng bệnh nhân 22 tại Việt Nam, thế giới cũng từng ghi nhận không ít trường hợp tái dương tính sau khi được xuất viện”, PGS.TS Trung nói.

Lý giải về vấn đề này, ông Trung nhận định, có nhiều khả năng dẫn đến kết quả tái dương tính của người bệnh: “Một là virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể người bệnh. Hai là, bệnh nhân này có thể bị lây nhiễm từ một nguồn khác sau khi xuất viện”.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Vạn Trung nhấn mạnh, tái dương tính không đồng nghĩa với tái nhiễm. “Một số người mang trong mình virus, nhưng chưa có triệu chứng điển hình, tức là chưa phát bệnh và được gọi là người lành mang trùng”, ông nói thêm.

PGS.TS Trung cho rằng, những người tái dương tính với Covid-19 vẫn có thể có khả năng lây nhiễm. Do đó, các cá nhân này cần được cách ly, theo dõi thêm.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Đại tá, PGS.TS Kiều Chí Thành - Chủ nhiệm khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn Bệnh viện Quân y 103, cho hay: “Có khả năng bệnh nhân Covid-19 tái dương tính là do virus SARS-CoV-2 trong cơ thể họ vẫn còn và chưa được điều trị hết. Đặc biệt, một số người cần 14 ngày để virus bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể, nhưng có trường hợp cần 15 - 20 ngày”.

PGS.TS Thành nhận định, yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác xét nghiệm là lấy bệnh phẩm. Đặc biệt là sau quá trình người bệnh được điều trị - khi lượng virus trong các dịch tiết hô hấp đã giảm khá nhiều. Do đó, chỉ cần lấy sai kỹ thuật, lấy quá nông, lấy vào vị trí không đủ số lượng virus hoặc lấy sau khi bệnh nhân vừa súc họng... đều không cho kết quả chính xác.

“Ngay cả khi lấy dịch họng đúng kỹ thuật, thì khả năng phát hiện được virus cũng chỉ là 32%. Nếu lấy được dịch hút của khí phế quản thì độ chính xác là 90%. Hiện nay, nhằm giảm nguy hiểm cho người bệnh, Việt Nam thường lấy dịch hầu họng hoặc dịch họng mũi, với tỷ lệ chính xác tối đa là 70%”, PGS.TS Kiều Chí Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, cũng có khả năng do xét nghiệm là tìm đoạn gen, đoạn di truyền của virus, nên lần xét nghiệm sau có thể tìm thấy xác của virus còn nằm trong tế bào bạch cầu, dẫn đến kết quả dương tính.

Thế giới ghi nhận nhiều ca tái dương tính

“Ngày 10/4, bệnh nhân 22 bay từ Đà Nẵng vào TPHCM để chuẩn bị xuất cảnh về nước sau khi được công bố khỏi bệnh vào ngày 27/3. Qua lấy mẫu test nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện dương tính và tiếp tục chuyển thêm mẫu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để làm xét nghiệm khẳng định. Đến tối 12/4, kết quả khẳng định người này vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Tuy nhiên, trước đó một ngày bệnh nhân đã xuất cảnh trở về Anh. Trước đó, các cơ sở y tế cũng ghi nhận một số bệnh nhân đang trong quá trình điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 3 lần với SARS-CoV-2, nhưng dương tính trở lại như: Bệnh nhân 91; 50 và 149”.

Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng từng ghi nhận những trường hợp bệnh nhân Covid-19 tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh. Theo truyền thông Trung Quốc, cứ 10 bệnh nhân ở Vũ Hán được xác định khỏi bệnh và xuất viện thì có 3 người dương tính trở lại.

Trong khi đó, Jung Eun Kyeong - Giám đốc của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho rằng, khả năng cao là trong người những bệnh nhân này vẫn còn virus, và sau một thời gian tự cách ly thì nó đã phát triển trở lại; chứ không có khả năng tái nhiễm từ bên ngoài.

Trước bối cảnh này, Hàn Quốc cho biết sẽ xét nghiệm lại tổng thể đối với những trường hợp tái dương tính, thay vì chỉ lấy dịch đường hô hấp trên như thông thường. Tuy nhiên, phương pháp sàng lọc này sẽ gây mất thời gian và chỉ cho kết quả sau 2 tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ