Tai biến mạch máu não và những phương pháp điều trị

GD&TĐ - Tai biến mạch máu não chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng tránh được nhờ hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tai biến mạch máu não là bệnh nhập viện chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm bệnh thần kinh. Bệnh nhân hoặc tử vong hoặc sống sót với những di chứng nặng nề, lâu dài. Khả năng tái diễn cao, tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế quốc dân. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây tàn phế ở các nước phát triển.

Tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS) đã nêu lên định nghĩa về tai biến mạch máu não như sau: “Tai biến mạch máu não là các thiếu sót thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan toả, các triệu chứng tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ (loại trừ các nguyên nhân chấn thương sọ não)”.

Như vậy, tai biến mạch máu não có thể được hiểu một cách đơn giản hơn là:

- Sự thương tổn các chức năng thần kinh xảy ra đột ngột do nguyên nhân mạch máu não.

- Sự thương tổn này thường khu trú hơn là lan tỏa, tồn tại quá 24 giờ và diễn biến có thể dẫn đến tử vong hay để lại di chứng.

Tai biến mạch máu não chia thành 2 thể: Nhồi máu não và xuất huyết não. Tại Hoa Kỳ, thể nhồi máu não chiếm 81%. Theo số liệu của Ngân hàng đột quỵ thế giới thể nhồi máu não chiếm 70% tai biến mạch máu não chung.

Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ nhì thế giới (sau ung thư). Tuy nhiên, tùy theo quốc gia mà tỉ lệ này có sự thay đổi. Các nhà nghiên cứu dự kiến tỉ lệ tử vong sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Có 3 nhóm nguyên nhân chính thường được đề cập đến về bệnh nhồi máu não:

- Huyết khối (thrombosis): Huyết khối được tạo ra trong các hoàn cảnh: Xơ vữa động mạch, viêm động mạch, phình tách động mạch, tắc tĩnh mạch não, các bệnh máu như tăng hồng cầu, tăng tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, bệnh hồng cầu lưỡi liềm, giảm tiểu cầu tự miễn... và một số bệnh lý khác như loạn sản xơ cơ...

- Tắc mạch (embolism): Cục máu gây tắc mạch có thể có nguồn gốc ở các vị trí sau: Tim (do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp, do rung nhĩ, bệnh do cấu trúc tim bẩm sinh hoặc mắc phải), từ quai động mạch chủ, từ chỗ chia đôi động mạch cảnh, động mạch đốt sống... do xơ vữa động mạch tạo ra, từ khối ung thư, dị vật, bóng khí hoặc cục tắc mỡ...

- Co thắt mạch máu não (vasoconstriction): Ở những người: Sau chảy máu dưới màng nhện, đau nửa đầu, bệnh sản giật, tăng huyết áp cấp tính.

Trong các nguyên nhân trên thì xơ vữa động mạch và các bệnh ở tim thường gây nhồi máu não nhiều nhất.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp và bệnh lý mạch máu não như phình mạch não, dị dạng mạch máu não… là nguyên nhân chính gây ra tai biến mạch máu não dưới dạng xuất huyết não.

Các yếu tố như tuổi cao, nghiện rượu là nguy cơ góp phần gia tăng xuất huyết não. Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi nghiện cocain mới là yếu tố nguy cơ quan trọng, vì cocain gây tăng nhịp tim và cơn tăng huyết áp cấp tính.

Xuất huyết não thường diễn tiến nhanh trong khoảng thời gian 30 - 90 phút. Từ các dấu hiệu ban đầu là tay chân yếu, mặt sệ, giọng nói hụt hẫng nhanh chóng đi vào hôn mê, tỉ lệ tử vong cao, khoảng 75%.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Việc chăm sóc sau tai biến mạch máu não để giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường gồm những điều cần làm sau:

* Nghe nhạc: Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc nghe nhạc sẽ làm cho các tế bào não sớm hồi phục, trí nhớ và khả năng nghe trở lại tốt hơn. Các chuyên gia thấy rằng âm nhạc quả là liều thuốc quý, rẻ tiền, nhưng mang lại hiệu quả kỳ diệu đến không ngờ. Nên cần được thực hiện đầu tiên trong khi chờ đợi tiến hành các phương pháp phục hồi chức năng khác.

* Rèn luyện thân thể: Người bệnh cần phải phục hồi lại tính linh hoạt của chức năng vận động qua việc tập thể dục hoặc thể thao tùy theo sở thích của mình. Tuy nhiên trong thời gian đầu không được gắng sức quá mức. Tất cả dường như làm lại từ đầu với các động tác từ đơn giản đến phức tạp, từ vận động nhẹ đến vận động theo mức độ tăng dần.

* Không bia rượu, không thuốc lá: Bia rượu và thuốc lá là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ và chúng còn là mối đe dọa thường trực gây ra cơn tái phát qua tác dụng làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó bia rượu còn làm mất tác dụng của các thuốc đang dùng điều trị dự phòng.

Nếu uống nhiều, say thì ý thức của người bệnh sẽ bị lu mờ, có khi dẫn đến sự bi quan, chán nản. Nói vậy cũng không có nghĩa là bệnh nhân tuyệt đối không được uống bia rượu. Các chuyên gia cho rằng một lượng nhỏ bia rượu sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa và làm tăng hoạt động của hệ tim mạch. Điều quan trọng là tránh sự lạm dụng.

* Không tự lái xe: Mặc dù sức khỏe của người bệnh hồi phục nhanh, chức năng vận động trở lại bình thường. Nhưng nói chung, trong thời gian đầu vẫn còn yếu, sự quan sát, độ nhạy và khả năng xử lý kém linh hoạt hơn xưa. Hơn nữa khả năng tái phát trong vòng một tháng sau điều trị là rất cao nên cần tránh điều khiển các phương tiên lưu thông để tránh nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

* Trở lại công việc: Công việc đối với nhiều người là niềm vui, là sự khao khát cống hiến, là chứng tỏ khả năng của mình. Tuy vậy, tùy theo tính chất công việc mà quyết định thời gian trở lại hoặc phải thay đổi cho phù hợp với khả năng sức khỏe. Khối lượng công việc cũng cần giảm thiểu, tránh sự gắng sức và nhất là sự căng thẳng thần kinh. Bởi điều này có thể gây cơn đột quỵ tái phát.

* Hoạt động tình dục: Hoạt động tình dục là một trong những “bí quyết” giúp con người sống lâu và hạn chế khả năng đột quỵ. Tuy nhiên, sau cơn tai biến thì sự ham muốn ở một số người có phần giảm sút.

Bên cạnh đó hoạt động tình dục cũng là một hoạt động gắng sức, tiêu hao nhiều năng lượng do vậy cũng cần có thời gian “khởi động” trở lại để đạt được phong độ bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin mới cho người Nhiễm HPV xem ngay vitamin d3 k2 Bệnh viện Emcas khám ung thư miễn phí