Tác động thật sự đối với cơ thể của biện pháp châm cứu

GD&TĐ - Đã hàng ngàn năm trôi qua kể từ khi châm cứu được phát minh, nhưng mãi cho đến nay, kỹ thuật y học cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc này vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi nhằm đi tìm lời đáp chính xác cho câu hỏi liệu nó có thật sự có tác dụng.

Châm cứu là một trong những niềm tự hào của y học cổ truyền Trung Hoa, nhưng vấp phải nhiều sự hoài nghi của khoa học phương Tây.
Châm cứu là một trong những niềm tự hào của y học cổ truyền Trung Hoa, nhưng vấp phải nhiều sự hoài nghi của khoa học phương Tây.

Trong khi các nghiên cứu từng thực hiện trước đây đã cho ra những kết quả khác nhau, một nghiên cứu mới xung quanh vấn đề này cho thấy ít nhất những cây kim thực sự đã gây ra một phản ứng khi chúng được đâm vào cơ thể chúng ta.

Từ lâu, các nhà khoa học đã hoài nghi về tính hữu ích của châm cứu, dù có nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm chứng xem liệu hiệu quả châm cứu có thực sự như đồn đoán, nhất là phương pháp cũng như kỹ thuật châm cứu có chính xác với nguyên gốc từ Trung Hoa hay không.

Một trong những nghiên cứu nghiêm túc gần đây nhất về hiệu quả thực sự của châm cứu, được Dịch vụ sức khỏe quốc gia Anh quốc (NHS) triển khai từ năm 2009, với ý tưởng sử dụng biện pháp châm cứu để điều trị đau lưng mãn tính. Tuy nhiên, sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu kiểm chứng thì NHS phát hiện rằng mặc dù châm cứu có thể giảm đau, nhưng hiệu quả của nó như một dạng giả dược trong việc điều trị đau thần kinh tọa và đau lưng dưới mãn tính, không hề có hiệu quả sinh học - điều cần thiết trong quá trình điều trị. Do đó, cuối cùng NHS yêu cầu nên dừng triển khai cách điều trị này, khiến “danh tiếng” của biện pháp châm cứu bị hạ thấp đáng kể.

Trong nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Y khoa Meditation and Alternative Medicine, các nhà khoa học đến từ Mỹ cho biết họ đã đo được mức độ hiệu quả sinh học của châm cứu. Nhóm chuyên gia phát hiện nếu thực hiện châm cứu đúng cách, cơ thể của bạn sẽ tiết ra nhiều oxit nitric hơn ở những nơi đâm kim.

Oxit nitric được biết đến là chất có khả năng làm tăng lưu lượng máu đồng thời kích hoạt cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm sản xuất các chất tẩy rửa tự nhiên. Việc này có thể tạo ra cảm giác nóng lên hoặc mát mẻ đối với cơ thể.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã thực hiện châm cứu ở 25 người nằm trong độ tuổi từ 18 - 60, trong đó có cả nam lẫn nữ. Trong quá trình thí nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành châm cứu theo hai phương pháp khác nhau. Đầu tiên, họ xoắn kim vào cơ thể trong vòng hai phút mỗi năm phút, tổng cộng là 20 phút. Ở thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp nhiệt điện lên người các tình nguyện viên trong 20 phút.

Sử dụng một thiết bị có thể tính toán được các phân tử ở những vùng da cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy oxit nitric được giải phóng ở những vị trí châm cứu ở cả hai phương pháp. Cũng như bao nghiên cứu khác, quy mô của nghiên cứu vừa được công bố rất nhỏ và kết quả này mang đến cho chúng ta nhiều hoài nghi hơn là sự chắc chắn. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiến hành thêm các thử nghiệm nhằm tìm hiểu hoạt động của châm cứu dưới phạm vi tế bào cũng như sự khác biệt giữa 2 kỹ thuật.

Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, phần còn lại do một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ