Súng “thông minh” có làm nước Mỹ an toàn hơn?

GD&TĐ - Những khẩu súng ngắn “thông minh”, được thiết kế để hạn chế số người có thể sử dụng chúng, đã sẵn sàng đổ bộ vào thị trường vũ khí của Mỹ.

Súng “thông minh” có làm nước Mỹ an toàn hơn?

Sản phẩm được thiết kế với mục đích giảm số ca tử vong do súng trong tình hình các nhà lập pháp liên bang vẫn bế tắc trong việc giải quyết vấn đề này.

Công ty SmartGunz của doanh nhân Tom Holland sử dụng chip RFID - tương tự như bộ phát mà nhiều người sử dụng trong ô tô của họ để thanh toán phí cầu đường - được lắp bên trong những chiếc nhẫn. Cơ chế an toàn của súng sẽ chỉ mở khóa cho người đeo chiếc nhẫn gắn chip đặc biệt, do đó người đeo nhẫn là người duy nhất khai hỏa được khẩu súng.

Holland cho biết súng thông minh sẽ có thể bảo vệ các sĩ quan cảnh sát trong trường hợp họ bị nghi phạm cướp súng hay ngăn chặn các tai nạn hy hữu xảy ra khi vô tình để trẻ con nghịch súng.

Ông hy vọng sản phẩm súng thông minh của ông, thứ hiện đang được một số cảnh sát ở Mỹ dùng thử, sẽ bắt đầu được bán cho dân thường vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hoạt động mua bán sẽ bắt đầu trong bối cảnh chưa từng có tại Mỹ, nơi khoảng 40% người dân Mỹ trưởng thành sống trong hộ gia đình sở hữu súng. Doanh số bán vũ khí tại Mỹ đạt mức kỷ lục vào năm 2020 với gần 23 triệu khẩu được bán ra, theo công ty tư vấn Dự báo & Phân tích Vũ khí Nhỏ.

Ginger Chandler, người đồng sáng lập hãng sản xuất súng thông minh LodeStar Works, cho biết, các bước xác thực người dùng vừa là bước đệm vật lý ngăn chặn các vụ tai nạn, tự tử và tội ác vừa là rào cản tâm lý.

Khẩu súng lục mà Công ty của Ginger Chandler đang phát triển và dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2023 có thể mở khóa an toàn theo ba cách: Cảm biến vân tay, ứng dụng điện thoại thông minh hoặc nhập mã vào bàn phím trên súng.

Daniel Webster, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu về Súng của Johns Hopkins nói với AFP trong một tuyên bố: “Toàn bộ các vụ tranh luận về súng thông minh đã bỏ qua cách sử dụng súng phổ biến nhất để giết người ở Mỹ là tự sát”.

Tuy nhiên, công nghệ này có sức hấp dẫn đặc biệt khi sự phân cực chính trị dường như đảm bảo không có các hạn chế liên bang mới đối với súng trong tương lai gần. Người đồng sáng lập LodeStar, Gareth Glaser cho biết công ty đã cố gắng đứng ngoài chính trường về quyền sử dụng súng và sản phẩm của họ cũng tìm cách tránh khỏi cuộc tranh luận đó.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ