Lộ rõ ý đồ âm mưu lật lọng
(GD&TĐ) - Với mưu đồ tính toán từ trước, chính quyền Richard Nixon đã thực hiện dã tâm huy động gần 200 máy bay B.52, 30 máy bay F.111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.135, máy bay trinh sát, dẫn đường, gây nhiễu và gây nhiễu điện tử, hàng loạt máy bay F; E; G... mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn chưa từng có vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc. Với cái gọi là mật danh “Linebacker 2”, chúng chủ quan cho rằng đưa lực lượng máy bay tối tân B.52 vào thực hiện nhiệm vụ chỉ như một cuộc dạo chơi trên bầu trời Bắc Việt!? Rằng sẽ đưa Bắc Việt trở lại thời kỳ đồ đá…
Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì... làm cho gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương, phá hủy và hỏng một số trung tâm hành chính và kinh tế của ta. Với đòn đánh có tính chất hủy diệt đối với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước ta, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của ta lúc đó phải trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách của Mỹ.
Sự xoay chuyển tình thế
Năm 1972, cục diện chiến tranh Việt Nam chống đế quốc Mỹ đã có sự chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên ba hướng chiến trường trọng điểm: Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Trị - Thiên, ta giành thắng lợi lớn. Đặc biệt, trên hướng Trị - Thiên, cùng với việc phòng ngự chốt giữ thành công 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị, quân và dân ta đã mở chiến dịch tiến công giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị. Những diễn biến trên chiến trường chính đã tác động trực tiếp đến bàn đàm phán bốn bên tại Paris tháng 10.1972. Đến lúc này, về cơ bản, phái đoàn đàm phán chính quyền Mỹ đã chấp thuận thông qua dự thảo hiệp định “về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta soạn thảo.
Thế nhưng, ngày 7.11.1972 Nixon trúng cử. Ngay sau khi trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, Richard Nixon và bộ máy chiến tranh của ông ta đã lật lọng, bộc lộ rõ bản chất hiếu chiến và dã tâm tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc. Một mặt, tại bàn đàm phán Paris, phái đoàn Mỹ đã lật lọng, cao giọng đòi phía ta phải sửa đổi những điều rất cơ bản trong Hiệp định, nhưng ta không chấp thuận; một mặt tranh thủ bắt tay với Trung Quốc để Trung Quốc làm ngơ cho Mỹ tự do hoạt động gây hấn với Việt Nam từ Vĩ tuyến 17 trở ra. Hội nghị Paris đi đến bế tắc!
Nhận định và thời cơ
Từ sự nhận định về tình hình cũng như bản chất âm mưu của địch và sự chỉ đạo sáng suốt tài tình của Bác Hồ và Trung ương Đảng ta rất sớm, quân và dân ta đã không chờ địch đến, mà chủ động nghiên cứu vững tình hình, nắm rõ âm mưu, thủ đoạn, thời điểm và hướng kích đến không bằng máy bay chiến lược B.52 của địch, chủ động chuẩn bị và thiết lập một thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Theo đó, hầu hết những trận đánh lớn của không quân Mĩ vào miền Bắc, ta đều phát hiện được, nên sớm dự báo, cảnh báo, chỉ đạo đánh địch và tổ chức phòng tránh kịp thời cho nhân dân, luôn tạo ra một thế trận có lợi nhất, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá của địch về sức người, sức của, để chống lại không quân địch có hiệu quả. Chủ trương chính là đánh sớm, đánh từ xa đến gần, nhiều tầng, nhiều hướng, chủ yếu là hướng Sơn La, máy bay Mỹ cất cánh từ sân bay U-ta-pao, U-bon (Thái lan) qua Lào vào Việt Nam và hướng biển Đông từ Hạm đội 7 qua Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… vào Hà Nội không kể ngày, đêm; chúng ta đã đánh địch bằng mọi lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị có trong tay như tên lửa, pháo phòng không các cỡ 23mm, 37mm, 57mm, súng máy phòng không 12,7mm và súng bộ binh; đã tìm ra điểm yếu nhất của “pháo đài bay”, đánh vào chỗ hiểm yếu nhất của địch để thắng địch.
Để đánh địch trong cuộc tập kích bằng không quân, ta đã chủ động đi nghiên cứu đánh B.52, đã kịp thời rút kinh nghiệm tại thực địa, thống nhất tư tưởng và cách đánh trong lực lượng vũ trang nói chung và bộ đội phòng không - không quân nói riêng, tạo tiền đề cho việc đánh thắng Mỹ trên bầu trời thủ đô Hà Nội. Tổ chức động viên nhân dân phòng tránh máy bay địch đánh phá, tích cực đối phó. Cụ thể, “ta đã đào được 129.637 km giao thông hào, 80km địa đạo để phục vụ chiến đấu, 37.120.339 hầm tập thể, 78.144.598 hố cá nhân…” Tổ chức cất giấu tài sản, sơ tán dân an toàn trong những ngày đêm không quân địch đánh phá, nên đã hạn chế thấp nhất tổn thất.
(ảnh MH: Internet) |
Kết quả và sự thật phơi bày
Sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (từ 18.12 - 29.12.1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B.52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B.52. Có đêm ta tiêu diệt 18 máy bay địch, trong đó có 8 “pháo đài bay B.52”. Pháo cao xạ tầm trung của ta bắn rơi máy bay có tính năng cơ động phức tạp; không quân ta liên tiếp bắn rơi nhiều loại máy bay địch có tính năng kỹ-chiến thuật cao hơn; có phi công của ta chỉ mới bay 170 giờ, nhưng đã tiêu diệt máy bay của phi công Mỹ có 7300 giờ bay! Bộ đội tên lửa của ta bắn rơi được cả máy bay trinh sát tầm thấp…
Với bước leo thang bằng không quân cao nhất này, đế quốc Mỹ những tưởng rằng chúng sẽ nhanh chóng giành thắng lợi, nhanh chóng làm tan rã ý chí chiến đấu của quân dân ta; rằng “Hà Nội sẽ trở lại thời kỳ đồ đá”. Nhưng chúng đã chịu thất bại thảm hại. Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973, chấp nhận rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Việt Nam. Có nhiều nhân tố làm nên chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ cách đây 40 năm, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” vang dội trong đó ý chí Việt Nam, chính trị - tinh thần Việt Nam là nhân tố cơ bản làm nên chiến thắng đó.
Đây là cuộc đụng đầu lịch sử, là đòn quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với lực lượng không quân chiến lược Mỹ; là cuộc đọ sức giữa chiến tranh nhân dân Việt Nam với chiến tranh xâm lược, phá hoại bằng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ ở trình độ cao; là cuộc đọ sức giữa ý chí và tinh thần của quân dân ta với sức mạnh và sự tàn khốc của vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Trong lịch sử dân tộc chưa từng có cuộc đọ sức nào như thế. Những máy bay và phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân bậc nhất đương thời lại vấp phải sức mạnh to lớn, vô địch của ý chí Việt Nam, của chiến tranh nhân dân Việt Nam và cuối cùng phải chịu thất bại. Quân và dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tư thế chủ động, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, vững vàng về chính trị, tư tưởng và tâm lý. Quân và dân miền Bắc, đặc biệt là quân dân Thủ đô Hà Nội, lực lượng Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu, vượt lên đau thương, mất mát, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” hào hùng làm rạng danh lịch sử dân tộc Việt Nam.
Bài học lịch sử
Chiến thắng được đoán định trước
Chiến công oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 ở Hà Nội, Hải Phòng và khu vực miền Bắc đã góp phần chứng minh đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa có gan đánh, biết đánh và đnahs thắng kẻ thù giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi của cán bộ các cấp, giữa khí phách anh hùng và tài trí tuyệt vời của người chiến sĩ trên trận địa. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” nói lên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, của cách đánh sáng tạo Việt Nam, thể hiện sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa Việt Nam, của truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta từ hàng ngàn năm kết lại.
“Điện Biên phủ trên không” là trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược, là trận thử thách chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta đã giành thắng lợi to lớn, toàn diện, buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hiệp định Pari về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phải thực hiện tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân Mỹ về nước”. Chiến thắng này đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta, để chúng ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”. Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đã thể hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta, của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của nhân dân ta. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn. Đó là chiến thắng của sự kế thừa và phát huy truyền thống quân sự Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng trong thế trận Phòng không nhân dân, trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.
Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH của nhân dân thế giới; là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam; góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa đế quốc; đem lại lòng tin cho những người trên trái đất đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Lời thú tội muộn màng
Trong cuốn hồi ký của mình, cựu tổng thống Mỹ Nixon, người ra lệnh ném bom Hà Nội, Hải Phòng và leo thang đánh phá toàn diện miền Bắc tháng 12.1972, thừa nhận: “Tôi ra lệnh tấn công bằng B.52 vào Hà Nội - Hải Phòng”. Ông ta viết: “sau 3 năm bế tắc, khả năng về mối liên lạc riêng Mỹ - Bắc Việt Nam đột nhiên lại hoạt động vào tháng 8.1972. Cộng sản tỏ ra quan tâm đến việc đạt được một giải pháp. Bắc Việt Nam đưa ra một chương trình mới gồm 10 điểm. Tôi thấy phải chuẩn bị cho Thiệu khả năng đi tới một giải pháp…” Đây là sự thú tội ác của ông ta và bộ máy hiếu chiến của đế quốc Mỹ lúc bầy giờ, phơi bày một sự thật là chính ông ta và bộ máy chiến tranh của mình đã nói dối nhân dân nước Mỹ - điều tối kỵ của các tổng thống Hợp chủng quốc Hoa kỳ…
Cùng với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, hàng loạt phi công Mỹ bị bắt, trong đó có đủ sĩ quan các cấp từ trung tá trở xuống. Chúng đã cúi đầu thừa nhận nỗi kinh hoàng trước lưới lửa dày đặc của lực lượng phòng không Hà Nội. Tướng Connen-Tham mưu trưởng Không lực Hoa kỳ lúc đó đã phải thốt lên: “Lực lượng phòng không Việt Nam là đáng sợ nhất và hoàn chỉnh nhất mà người lái Mỹ chưa từng gặp”. Còn cựu ngoại trưởng Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, sau này là cố vấn Tổng thống Mỹ Henry Kissinger đã phải thốt lên rằng: “Nếu các ông chỉ dũng cảm không thì khối sắt thép khổng lồ của chúng tôi sẽ đè bẹp các ông. Nhưng người Việt Nam không chỉ dũng cảm mà quá thông minh nên chúng tôi chịu thua”…
Bốn mươi năm nhìn lại
Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” mãi mãi trở thành dấu son chói lọi trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã trở thành truyền thống vẻ vang và mềm tin vững chắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Phòng không - Không quân.
Chúng ta càng thấy tự hào về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ 20, là trang sử vẻ vang của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước trong thời đại mới- thời đại Hồ chí Minh. Chiến thắng đó đã cho chúng ta một bài học kinh nghiệm về sự tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu; bài học về tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện; bài học về xây dựng và phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; bài học về phát huy sức sáng tạo, tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù; đó là bài học của sự quả cảm, khao khát độc lập tự do, xả thân chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tinh thần, ý chí, trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam trong những ngày cuối tháng 12.1972 được nuôi dưỡng, phát huy đến độ rực rỡ, mà cho đến bây giờ, 40 năm sau, những con cháu của thế hệ làm nên “Điện Biên Phủ trên không” và toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn luôn tự hào và luôn được thôi thúc bởi ý chí ấy như một nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn và thách thức mới. Cùng với chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, sự xuất hiện một loại hình chiến tranh mới, chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao do chủ nghĩa đế quốc tiến hành chống các quốc gia độc lập có chủ quyền trên thế giới đã đặt ra những thách thức mới hết sức gay gắt đối với ý chí con người, đối với nhân tố chính trị - tinh thần. Trong điều kiện mới, chiến tranh nhân dân vẫn là lời giải cơ bản cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; sức mạnh cơ bản và vũ khí sắc bén của chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vẫn là chính trị - tinh thần, là ý chí quyết chiến, quyết thắng. Vì thế, xây dựng, củng cố và phát huy chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tháng năm qua đi, những dấu tích chiến tranh có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đây vẫn nguyên vẹn giá trị để nghiên cứu, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Sau “Điện Biên phủ trên không”, sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, biết bao tấm lòng của bè bạn khắp nơi trên thế giới đã hướng về Việt Nam với con mắt cảm phục, yêu mến và biết ơn. Hàng ngàn vạn lời hay ý đẹp, có thể nói là tận cùng ngôn ngữ thế gian, của cả loài người tiến bộ đã dành cho Việt Nam, qua làn sóng điện và qua những dòng thư. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã phát biểu: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công oanh liệt nhất, vĩ đại nhất của loài người”! Còn cựu Thủ tướng Ô-xtơ-rây-lia Kôn-dơ khẳng định: “Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh không chỉ cho riêng họ, mà còn cho cả thế giới. Thắng lợi của người Việt Nam là thắng lợi của lý tưởng cao đẹp nhất của thời đại ngày nay”!
Lịch sử nhân loại đang bước sang những trang sử mới. Tuy nhiên, có những sự kiện mà với tầm vóc lớn lao của nó, sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức nhân loại. Một trong những sự kiện mang dấu ấn đặc biệt ấy là “Điện Biên Phủ trên không”. “Điện Biên Phủ trên không”, chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, sẽ vĩnh viễn tồn tại như một mốc son sáng chói mãi ngàn năm.
(Bài viết có sử dụng Tư liệu lịch sử qua cuốn “Chiến thắng B.52” của Nxb Quân đội nhân dân, 1979) và cuốn “Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 1977”.
Nguyễn Minh Đức
->Cảm tử để bảo vệ bầu trời Hà Nội
-> Những bức ảnh về chiến dịch "Điện biên phủ trên không"
->Toàn cảnh diễn biến 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" 1972
->Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
->Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện “đánh” B.52