Ghép mô tạng vẫn còn… rào cản

GD&TĐ - Ghép tạng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh ở giai đoạn cuối. Việc thành lập 19 trung tâm ghép tạng với các kỹ thuật hiện đại, cùng những nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng sau khi chết não đã giúp cho các bệnh nhân có thêm cơ hội được sống. Đây cũng là sự đánh dấu bước phát triển của y học Việt Nam, tuy nhiên phía trước vẫn còn có không ít thách thức.

Ca ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu tại BV Đa khoa Phú Thọ.	Ảnh Bệnh viện cung cấp
Ca ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu tại BV Đa khoa Phú Thọ. Ảnh Bệnh viện cung cấp

Mang đến cơ hội sống cho người bệnh

Thời điểm này, tại Việt Nam đã có hơn 21 nghìn người đăng ký hiến tạng, đó là kết quả đáng mừng của quá trình vận động hiến tặng mô, tạng trong 5 năm qua. Theo thống kê đến cuối năm 2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi.

Đó chính là những thành tựu trong y học Việt Nam, mang lại sự sống cho những người bệnh, khi cái chết đang cận kề. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành thành công ca ghép phổi từ người hiến đã chết não. Và đặc biệt với sự hợp tác, hỗ trợ bằng đường hàng không cho công tác điều phối, vận chuyển mô tạng của Vietnam Airlines đã có 7 ca ghép tạng xuyên Việt thành công.

Thông tin tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, cuối năm 2018, lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện. Cùng một lúc viện đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ một người cho đa tạng chết não. Và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam bệnh viện đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TPHCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

Được biết, trong các ca ghép tạng thì ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó. Với tạng hiến từ người bệnh chết não này, các bác sĩ BV Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi để cứu sống người bệnh. Bệnh nhân nhận phổi là một nam giới, 17 tuổi trong tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng phải thở ô xy liên tục. Người bệnh được xác định bệnh mô bào ở phổi (langerhans) giai đoạn cuối, tiên lượng tử vong rất cao. Giải pháp điều trị duy nhất về bệnh này trên thế giới là phẫu thuật ghép hai phổi. Tuy nhiên, nhờ có phổi của người hiến tạng và tay nghề cao trong kỹ thuật ghép của các bác sĩ mà bệnh nhân nay đã hồi phục.

Cũng nhờ việc chuyển giao kỹ thuật ghép tạng từ Bệnh viện tuyến Trung ương, mà mới đây BV Đa khoa Phú Thọ cũng đã thực hiện thành công ca ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu, nâng tổng số ca ghép thận thành công tại bệnh viện lên 9 ca. Người bệnh được ghép thận là một phụ nữ sinh năm 1977. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối do viêm cầu thận mạn từ năm 2009 và đang chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần trên tuần.

Ca ghép thận này có sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao của BV Đa khoa tỉnh Phú thọ và BV Hữu nghị Việt Đức. Sau khoảng 3 tiếng tiến hành ghép thận, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, người bệnh đã xuất hiện nước tiểu ngay trên bàn mổ. Đây là ca đặc biệt đầu tiên so với những ca ghép thận thành công trước đó tại BV, bởi người nhận và người cho thận không cùng huyết thống và không cùng nhóm máu. Sau 1 tuần theo dõi thể điều trị, chức năng thận của bệnh nhân trở về bình thường, các chỉ số huyết học, sinh hóa, nước tiểu, các chỉ số sinh tồn ổn định và ngày 3/4, người bệnh đã được xuất viện.

Cần thêm hành lang pháp lý

Trên thế giới, liên quan đến bảo hiểm y tế, một người khi ghép tạng sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần lớn tới 80% chi phí và người ghép tạng chỉ cần bỏ thêm một khoản tiền nhỏ cho việc ghép tạng của mình. Thậm chí, những người đó có hoàn cảnh khó khăn không lo được 20% còn lại thì sẽ có các quỹ nhân đạo hỗ trợ. Vì thế, mọi người dân đều có cơ hội được ghép tạng như nhau không phân biệt giàu nghèo. Trong khi đó luật bảo hiểm của Việt Nam chưa có điều này.

Chia sẻ về những rào cản trong vấn đề ghép tạng tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc TT Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết: Việc lấy ghép mô tạng thực hiện theo quyết định của Luật Lấy ghép mô tạng ở người được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực đầu năm 2007. Dựa trên cơ sở pháp lý đó, chúng ta đã có 19 trung tâm ghép mô tạng trên cả nước. Quá trình tổ chức ghép mô tạng cho các bệnh nhân trong thời gian qua, đã từng bước tạo ra hiệu ứng trong phong trào hiến mô tạng. Nhờ hệ thống pháp lý đó, chúng ta đã có những ca ghép khó như ghép thận, ghép gan, ghép tim và gần nhất là ghép phổi. Tuy nhiên, hơn 10 năm thi hành, quá trình hiến, ghép mô tạng cũng có những bất cập liên quan về độ tuổi đăng ký ghép hiến tạng.

 “Trong luật quy định, người từ 18 tuổi có đủ năng lực hành chính nhân sự, nếu tình nguyện thì có thể đăng ký hiến tạng khi còn sống, hoặc sau khi chết hoặc chết não. Quy định đó để bảo đảm việc người đăng ký tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng lại có vấn đề nảy sinh. Bởi có những cháu nhỏ không may rơi vào hiện tượng chết não, trong trường hợp đó gia đình tình nguyện hiến tạng lại vướng vào quy định của pháp luật. Hiện trên thế giới, nhiều nước đã sửa đổi luật theo hướng:
Cho dù người chết não trước đó chưa đăng ký hiến tạng, nhưng có ý nguyện mong muốn được hiến tạng sau khi chết não, được gia đình đồng ý, khẳng định, thì họ vẫn có thể được hiến mô tạng của mình. Tôi nghĩ rằng,Việt Nam cũng nên tham vấn thông tin này, để điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giảm độ tuổi của người chết não hiến tạng. Hay nói cách khác, chúng ta không nên giới hạn về độ tuổi của người hiến mô tạng sau khi chết não. Bằng cách đó chúng ta mới tiếp nhận được nhiều nguồn tạng và chữa được cho nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng ta còn giúp cho chính người thân của họ có cơ hội được gặp lại người thân của mình. Đó cũng là tâm nguyện của nhiều gia đình hiện nay”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho rằng, chúng ta cũng có thể tích hợp vấn đề đăng ký hiến mô tạng trong hồ sơ đăng ký lái xe. Cụ thể, một người đủ 18 tuổi khi thi để cấp bằng lái xe, nên chăng giấy khám sức khỏe (trong hồ sơ lái xe) có tích hợp thêm nội dung: Bạn có đồng ý hiến tạng khi không may qua đời hay không? Bởi vì, nhiều khi không phải lúc nào chúng ta cũng mang theo thẻ đăng ký hiến tạng. Nhưng hầu hết khi tham gia giao thông, ai cũng có bằng lái xe trong người. Nhiều nước trên thế giới cũng đều tích hợp việc đăng ký hiến mô tạng trên bằng lái xe. Để làm được điều đó chúng ta nên thay đổi, bổ sung trong hệ thống pháp luật một cách đồng bộ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ