Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:
Ngành Công nghệ hóa học là một trong những ngành học hấp dẫn nhiều năm qua, đặc biệt là khi dầu lửa được coi là nguồn nguyên liệu không thể thiếu được trong phát triển công nghiệp. Trước đây khi còn tổ chức thi theo hình thức “3 chung” thì ngành học này tuyển sinh ở hai khối A và B, còn 2 năm trở lại đây, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành đào tạo này cũng sẽ phải qua Kỳ thi THPT quốc gia với các môn xét tuyển tương đương với khối thi truyền thống là A - B.
Ngành Công nghệ hóa học hiện có các chuyên ngành đang được đào tạo là Công nghệ hữu cơ - hóa dầu, Công nghệ hợp chất cao phân tử, Công nghệ điện hóa và bảo vệ kim loại, Công nghệ vật liệu silicat, Công nghệ các hợp chất vô cơ và phân bón hóa học, Công nghệ in, máy và thiết bị công nghiệp hóa chất - dầu khí, Công nghệ hóa học môi trường, hóa dược phẩm... Ngoài ra tại nhiều trường ĐH, CĐ khác cũng đào tạo ngành hóa học, chuyên sâu về nghiên cứu khoa học.
Tốt nghiệp các ngành học này, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên ngành liên quan đến chất lượng, công nghệ, thiết kế, chế tạo và dịch vụ trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển về hóa chất, thực phẩm. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp là hết sức phong phú và đa dạng, có thể làm việc trong các ngành Công nghiệp hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như các cơ quan nghiên cứu và phát triển.
Ngoài các lĩnh vực trên, các kỹ sư Công nghệ hóa học còn có thể làm việc ở các ngành nghề khác như xi măng, gốm sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng, kiểm soát ô nhiễm, khai thác chế biến dầu mỏ và khí đốt, xăng dầu, nhớt bôi trơn, dệt nhuộm, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, giấy, xử lý nước thải, an toàn nhà máy, vật liệu điện tử, dược phẩm, công nghệ sinh học… Tất nhiên, làm việc ở đâu và có dễ xin được việc hay không còn phụ thuộc nhiều ở chất lượng đào tạo, năng lực làm việc của mỗi cá nhân.
Theo Quyết định số 7040/QĐ-BCT Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, với mục tiêu phấn đấu phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp qua đào tạo sẽ tăng từ 78% (năm 2010), lên 82% (năm 2015) và 92% (năm 2020). Trong số các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ hóa dầu sẽ được chú trọng để đào tạo.