(GD&TĐ) - Ngày 7-12, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển thuộc Trung ương Hội luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Quang cảnh buổi hội thảo |
TS. Phạm Văn Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp khẳng định: “Theo quan niệm phổ biến được khoa học pháp lý thừa nhận Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý phản ánh bản chất giai cấp của nhà nước, nhưng đồng thời cũng cần phải ghi nhận và bảo vệ những lợi ích tương hợp của các tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, dân tộc. Vì vậy, làm Hiến pháp và sửa đổi hiến pháp là công việc trọng đại của quốc gia vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta có chủ trương “khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) phù hợp với tình hình mới”. Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ nhất đã thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Trong thời gian qua, đã có một số cuộc hội thảo khoa học về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp, song chưa phản ánh bao trùm được nhu cầu thực tiễn sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sửa đổi từ đâu? Sửa đổi vấn đề gì?
Hội thảo khoa học “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Được tổ chức nhằm mục đích phát huy sức mạnh trí tuệ, tinh thần cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu, thảo luận, đề xuất quan điểm nội dung, kỹ thuật cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Góp phần làm cho chủ trương sửa đổi Hiến pháp của Đảng và Quốc hội được sự quan tâm, hưởng ứng của toàn dân. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp sẽ đăng tải các bài có chất lượng, đưa vào cuốn sách “Bàn về lập hiến” (tái bản) để tặng các đồng chí lãnh đạo Đảng, các Bộ trưởng, các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban biên tập giúp việc Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các chuyên gia, nhà khoa học.
Sau hơn hai tháng chuẩn bị, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày và thảo luận về ba chủ đề chính, gồm: Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Toàn bộ các tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng cảm với Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp và Tạp chí Pháp luật và Phát triển, cho rằng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là xây dựng một “công trình” biểu tượng cho nền văn hiến và văn minh chính trị ở Việt Nam, là cơ hội tốt nhất để thực hiện tâm nguyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết cách đây gần một thế kỷ: cần ban hành một bản Hiến pháp “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Hội thảo là một sáng kiến có ý nghĩa, thể hiện sự nhạy bén, có trách nhiệm trong việc góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, tạo cơ hội cho các nhà khoa học thảo luận, công bố kết quả nghiên cứu, sẵn lòng cống hiến cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”.
Nhiều ý kiên của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đưa ra trong thảo luận đã được đánh giá cao.
Tin, ảnh: Vũ Thành