Sự thật được che giấu về tàu Apollo

GD&TĐ - Tiếp cận mặt trăng là một thành tựu vô cùng to lớn và là một bước tiến vĩ đại của công nghệ. 

Sự thật được che giấu về tàu Apollo

Đưa con người lên hành tinh này càng là một việc khó bội phần. Thời điểm tàu Apollo hạ cánh xuống mặt trăng, các du hành gia và kỹ sư tên lửa thường được ngợi ca như những siêu anh hùng.

Trong thực tế, họ cũng có đầy rẫy những điểm yếu, những sai lầm hoặc những điều từ ngộ nghĩnh đến kỳ quặc như bất kỳ ai trong chúng ta.

Sự hiện diện của những “Tác phẩm” bất ngờ

Trong chuyến bay của tàu Apollo 12, Alan Bean và Pete Conrad đã dành 2 giờ rưỡi “dạo chơi” trên mặt trăng. Đó cũng là lúc Bean mở cuốn sổ ghi danh mục việc cần làm của mình và nhìn thấy một thứ anh không bao giờ ngờ tới:

Một bên của trang sổ là danh sách nhiệm vụ như bình thường, còn bên kia là hình ảnh… một phụ nữ ngực trần đang mỉm cười nhìn anh đắm đuối. Nói đúng hơn là Bean đang nhìn vào bức ảnh người đẹp tháng 12 của tạp chí Playboy!

Conrad cũng có một cuốn sổ tương tự và hai phi hành gia tiếp tục tìm thấy một bức ảnh Playboy thứ hai trong sổ. Phần “thêm thắt” kỳ quặc này là “thành quả” của một chỉ huy hỗ trợ tên là Dave Scott. Những cuốn sổ còn có vài hình ảnh hoạt hình của Ernie Reyes, trưởng bộ phận phụ trách chiến dịch trước cất cánh của tàu Apollo 12.

Trước sự kiện bất ngờ này, hai nhà du hành vẫn “im như thóc”, bởi họ biết mỗi lời họ cất lên đều được ghi âm, còn người dân đóng thuế của nước Mỹ, hay ít nhất là một bộ phận trong số họ, sẽ chẳng thấy thú vị gì với bất kỳ trò hài hước nào diễn ra trong nỗ lực hạ cánh xuống mặt trăng trị giá hàng tỷ dollar này.

Mặc dù thế, cả hai đều không thể nén được tiếng cười khúc khích. Thực tế, Conrad và Bean đã có một khoảng thời gian rất thú vị và rất hay cười, đến nỗi những người quan sát từ mặt đất lo ngại rằng có thể hai nhà du hành vũ trụ này đã chịu ảnh hưởng của một loại trạng thái “đê mê vũ trụ” nào đó.

Là người thứ 7 đặt chân xuống mặt trăng, nhà du hành vũ trụ Dave Scott của tàu Apollo 15 để lại sau lưng một bức tượng nhỏ xíu được đặt tên là “nhà du hành ngã xuống” - một biểu tượng tưởng nhớ các nhà du hành vũ trụ đã thiệt mạng trong các sự vụ khám phá. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết là còn có một “tác phẩm” nho nhỏ nữa được để lại nơi này.

Vật thể nhỏ bé đó được gọi là “bảo tàng mặt trăng” và nó đã là một “hành khách lậu vé” du ngoạn suốt 1/4 triệu dặm trong không gian vũ trụ mà NASA không hề hay biết.

Một nhà điêu khắc tên là Forrerst Myers đã nảy ra ý tưởng gửi một phiên bản tí hon của một thứ “bảo tàng nghệ thuật” tới mặt trăng. Myers đã liên lạc với NASA nhưng không có hồi âm. Dù sao đi nữa, Myers vẫn quyết định âm thầm thực hiện ý tưởng của mình.

Myers và 5 nghệ sĩ nổi tiếng khác đã cùng làm việc để thống nhất với những thiết kế sẽ được khắc trên một mẩu gốm nhỏ xíu. Hình ảnh gây ấn tượng nhất là của Andy Warhol.

Tùy theo cảm hứng, người xem có thể hình dung đó là một tên lửa đang bay hay hình vẽ nguệch ngoạc của một bộ phận cơ thể nam giới(!).

Dù các hình vẽ tượng trưng cho gì đi nữa, Myers đã khắc chúng vào một mảnh gốm mỏng, thường được dùng trong các mạch điện điện thoại, có kích thước chỉ bằng móng tay.

Để cách nhiệt, mặt sàn của modul mặt trăng được phủ bằng nhiều lớp vàng mỏng. Myers đã liên lạc với một kỹ thuật viên tham gia triển khai modul này và thuyết phục được người này giấu mảnh gốm tí hon bên trong các lớp vàng phủ sàn modul.

Hai ngày trước khi tàu Apllo cất cánh, Myers đã nhận được một bức điện tín ghi rõ: “Hàng đã ổn trên A (tàu Apollo). Hệ thống tốt”. Bức điện tín được ký tên “John F”.

Như vậy, chắc hẳn tấm gốm đã xuất hiện trên mặt trăng. Tuy nhiên, cách duy nhất để xác minh thực hư là nhận diện John F thì dường như không ai có khả năng.

(Còn tiếp)  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ