Theo kênh GRTN Trung Quốc, hiện nay tại quốc gia này đã có rất nhiều luật và quy định ngăn cấm việc mua bán tinh trùng, trứng và phôi thai dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên với nhu cầu của các cặp đôi hiếm muộn và sự cám dỗ từ đồng tiền, những cơ sở mua bán chui vẫn mọc lên như nấm.
Các phóng viên của kênh GRTN đã tìm được nạn nhân của vụ mua bán chui trứng qua một lần cô gái này đến phòng khám để kiểm tra sức khỏe. Đó là Tiểu Quyên (15 tuổi) sống tại Huệ Châu. Sau khi bỏ học, nghe theo lời giới thiệu của bạn bè, cô rời quê hương đến Quảng Châu làm việc.
Hai tháng sau trở về nhà, gia đình thấy Tiểu Quyên có gì đó rất bất thường. Sắc mặt cô vàng ố, bụng đầy hơi và luôn tỏ ra mệt mỏi. Thoạt đầu, bố mẹ cô gái cho rằng cô bị viêm gan. Khi đưa con đến bệnh viện để xét nghiệm, người nhà Tiểu Quyên mới tá hỏa phát hiện ra rằng cô đã thực hiện cuộc phẫu thuật “cho” trứng trong hai tháng ở Quảng Châu.
Theo xét nghiệm của bác sĩ, sáu ngày sau khi cô làm phẫu thuật lấy trứng, bụng cô có triệu chứng phình to, tràn dịch màn phổi và buồng trứng bị quá kích.
Trước đó, khi đến Quảng Châu tìm việc làm, nghe theo lời xúi giục của một người bạn quen qua mạng, Tiểu Quyên đã quyết định đến một cơ sở mua trứng từ thiện với lời mời gọi của cò mồi rằng cô sẽ nhận được một số tiền lớn.
Tiểu Quyên kể lại, ngày đầu tiên cô được dẫn đến bệnh viện Quảng Châu để khám sức khỏe. Vài ngày sau, cô và vài người khác được cò mồi đưa đến một ngôi nhà trọ ở gần Giang Tây, quận Bạch Vân để thực hiện phẫu thuật lấy trứng.
Mặc dù lúc đó cô cũng nảy ra ý định bỏ trốn vì quá sợ nhưng người trung gian lại đe dọa cô rằng nếu cô bỏ đi, cô sẽ phải bồi thường toàn bộ phí xét nghiệm kiểm tra.
Lời quảng cáo của “ngành công nghiệp đen”
Mặc dù việc bán trứng bị cấm trên khắp đất nước Trung quốc, nhưng các cơ sở mua bán chui vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn phát triển thành một chuỗi công nghiệp đen.
Nhóm phóng viên của kênh GRTN đã thử tìm thử khóa “mua trứng” trên mạng. Kết quả, hàng loạt quảng cáo như “bán trứng nhân ái” hoặc “hiến trứng từ thiện” hiện ra.
Ngoài quảng cáo trên mạng, những tờ rơi hoặc những mẩu quảng cáo “bán trứng” cũng được dán đầy ở cửa nhà vệ sinh bệnh viện Phụ nữ Quảng Châu.
Các trung tâm tự xưng “mua trứng tình nguyện” không những quảng cáo tràn lan trên mạng, còn dán tờ quảng cáo trên cửa nhà vệ sinh của các bệnh viện lớn.
Thông qua lời quảng cáo trên các tờ rơi, phóng viên đã liên lạc với một cơ sở tự xưng có 13 năm kinh nghiệm trong việc cấy trứng cho các cặp đôi hiếm muộn.
Theo đó, công ty này nói rằng họ chỉ tuyển chọn những phụ nữ trên dưới 20 tuổi để hiến trứng. Giá tiền cũng tùy theo ngoại hình và trình độ học vấn của người “hiến tặng”.
Để giành được lòng tin của người mua (phóng viên), cơ sở đó đã gửi thông tin và ảnh của ba cô gái đăng ký “hiến tặng” trứng.
Hai ngày sau, trên tầng 6 của tòa nhà Yingtai Plaza ở quận Thiên Hà, Quảng Châu, phóng viên đã được cò mồi sắp xếp gặp mặt trực tiếp ba “tình nguyện viên”.
Các cô gái chụp ảnh ngoại hình và trình độ học vấn để người mua chọn lựa, sau đó các cô gái trẻ sẽ hiến trứng cho khách hàng.
Khi được hỏi về tác hại của việc lấy trứng, các cô gái này hoàn toàn không có kiến thức nào về tác dụng phụ hay di căn để lại sau này. Theo các bác sĩ khoa sinh sản, nếu muốn lấy trứng, bác sĩ phải dùng một cây kim phẫu thuật đầu rỗng, đâm thủng nang buồng trứng đang ở giai đoạn chín muồi mới lấy được ra.
Nhưng thao tác này cần đến những người có tay nghề chuyên nghiệp, nếu rơi vào tay những kẻ không được đào tạo bài bản, di chứng về sau sẽ giống như Tiểu Quyên, cũng có thể nặng hơn là vô sinh.
Phẫu thuật lấy trứng cần đến bác sĩ có tay nghề. Để rơi vào tay những kẻ mua bán chui rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hơn nữa, tại các bệnh viện, các bác sĩ thường kích thích rụng trứng trước khi lấy để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân.
Thế nhưng các trung tâm mua bán trứng chui có xu hướng muốn kiếm lời và muốn hút nhiều khách hàng, nên họ sẽ không thực hiện các thao tác an toàn như ở bệnh viện. Điều này dẫn đến buồng trứng của các cô gái trẻ bị kích thích, có thể đe dọa đến tính mạng.
Giá bán trứng có đáng để “nộp mạng”?
Tiếp tục đi sâu vào điều tra, phóng viên đã chọn cô gái thứ ba để hiến trứng. Ngay lập tức, cò mồi đưa ra một bản hợp đồng với giá bán trứng là 88 nghìn tệ (khoảng hơn 200 triệu VNĐ). Cò mồi nói: “Mức giá này phù hợp với trình độ học vấn và ngoại hình của cô ta nhưng cũng có thể thương lượng”.
Ngoài ra, nếu khách hàng không thể mang thai, bên cung sẽ đáp ứng cho khách hàng dịch vụ mang thai hộ trọn gói với giá 850 nghìn tệ (hơn 2 tỉ VNĐ) và khách hàng sẽ được tự ý chọn giới tính.
Bên trung gian còn cung cấp ảnh phòng thí nghiệm và yêu cầu phóng viên phải chuyển trước 20 nghìn tệ (khoảng 67 triệu VNĐ).
Hình ảnh phòng thí nghiệm cò mồi cung cấp để thụ tinh.
Đối với những cặp vợ chồng chọn phương pháp mang thai hộ, sau khi cấy trứng, những sản phụ sẽ được chăm sóc trong một căn biệt thự rộng lớn nơi cò mồi tự giới thiệu là đầy đủ tiện nghi để dưỡng thai.
Theo lời người dân sống gần đó, căn nhà này là nơi “chứa” nhiều phụ nữ đẻ mướn, từ nhiều năm qua.
Căn biệt thự nơi những sản phụ mang thai hộ đến để dưỡng thai.
Vấn nạn này không chỉ hiện hữu ở tỉnh Quảng Châu mà còn trên khắp đất nước Trung Quốc. Câu hỏi được đặt ra là liệu ngân hàng trứng và tinh trùng có thể được hợp pháp hóa và bệnh viện có thể cắt bớt những thủ tục rườm rà để người dân không tìm đến các cơ sở chui?
Nhưng trước đó, quốc gia này cần phải nâng cao trình độ pháp lý và xử lý nghiêm các hành vi mua bán bất hợp pháp.
Trong cuộc điều tra, các phóng viên kênh GRTN ghi nhận rằng các cô gái trẻ có thể bị xử phạt vì tự nguyện “hiến trứng” để lấy tiền. Có phải vì đồng tiền họ đã đánh mất bản thân một cách mù quáng?