Sự khác biệt của U23 Việt Nam với các đội bóng Đông Nam Á

Chỉ có 2 đại diện của bóng đá Đông Nam Á góp mặt tại VCK U23 châu Á năm 2020, và chỉ có mỗi mình U23 Việt Nam là dự VCK sau khi vượt qua vòng loại. Bóng đá Đông Nam Á nói chung vẫn chưa thoát cảnh khi tỏ khi mờ tại các giải châu lục. 

Bóng đá Thái Lan đang có dấu hiệu chững lại, trong khi các đội tuyển Việt Nam đang vươn lên rất nhanh
Bóng đá Thái Lan đang có dấu hiệu chững lại, trong khi các đội tuyển Việt Nam đang vươn lên rất nhanh

Ở kỳ giải U23 châu Á gần nhất, Đông Nam Á có đến 3 đại diện vào đến VCK, gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Cả 3 đội này đều giành vé vào VCK thông qua vòng bảng.

Thế nhưng, tại VCK U23 châu Á vào đầu năm 2020 tới đây, Đông Nam Á chỉ còn 2 đại diện góp mặt, là Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Thái Lan dự giải với tư cách chủ nhà của VCK, chỉ có mỗi mình Việt Nam là đội Đông Nam Á giành quyền vượt qua vòng loại.

Dẫu biết bóng đá không có chỗ cho mệnh đề “Nếu”, nhưng đặt trường hợp Thái Lan không phải là đội chủ nhà của VCK, họ cũng đã không đủ tiêu chuẩn vượt qua vòng loại.

Vẫn biết rằng do đã chắc suất dự VCK U23 châu Á năm 2020 với tư cách chủ nhà, nên Thái Lan chưa xài hết những cầu thủ tốt nhất trong lứa tuổi 22 (lứa tuổi đón đầu VCK của giải vào năm sau) của bóng đá xứ Chùa Vàng, nhất là nhóm cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp tại Thai-League.

Tuy nhiên, không thể nói rằng Thái Lan không đau khi bị U23 Việt Nam đánh bại đến 4-0 trong trận đấu phân định ngôi đầu bảng K, một trận đấu mà đội bóng đất Chùa Vàng rất muốn thắng hòng loại hẳn U23 Việt Nam ra khỏi giải, nhưng rốt cuộc lại thua đậm đến không ngờ.

Đại diện từng dự VCK giải U23 châu Á năm 2018 là Malaysia không qua nổi vòng loại giải hiện tại, cũng chẳng để lại ấn tượng gì.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2018, U23 Malaysia từng đánh bại cả U23 Saudi Arabia tại vòng bảng giải U23 châu Á ở Trung Quốc, vào đến giai đoạn knock-out của giải, trước khi bị loại bởi Hàn Quốc.

Nhưng khác với U23 Việt Nam, bóng đá trẻ của Malaysia lúc này không có tính kế thừa. Sau lứa U23 dự VCK giải châu Á đầu năm 2018, họ không có lứa kế tiếp có chất lượng tương tự, khác với đội U23 Việt Nam vẫn còn Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, hoặc nổi lên thêm một số gương mặt triển vọng khác (Hoàng Đức, Tấn Sinh, Việt Hưng). Thế nên, Malaysia hiện tại không tạo được dấu ấn tạo vòng loại giải U23 châu Á.

Một đặc điểm khác khiến bóng đá Malaysia thời gian gần đây không ổn định, đó là sự bất ổn nơi thượng tầng nền bóng đá. Trong vòng ít năm, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) thay chủ tịch đến 2 lần, nên việc định hướng cho các đội tuyển gặp trục trặc.

Tình cảnh đấy cũng được thấy với bóng đá Indonesia. Nền bóng đá xứ vạn đảo còn bất ổn liên miên, chứ không riêng gì giai đoạn hiện tại.

Với Singapore và Philippines, đây là các các quốc gia không đam mê bóng đá. Người dân Philippines chủ yếu thích Quyền Anh và bóng rổ nhiều hơn, còn đa phần dân số Singapore là người gốc Hoa, trong khi cầu thủ của họ chủ yếu là người gốc Mã và một số cộng đồng thiểu số khác, nên việc phát triển bóng đá về lâu về dài gặp nhiều thách thức, do nguồn cầu thủ có hạn.

Chỉ có Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đầu tư thuộc vào loại bền bỉ nhất cho bóng đá ở khu vực Đông Nam Á, ít bất ổn trong khâu điều hành nhất. Việt Nam và Thái Lan hiện cũng là 2 nước rất quan tâm đến hệ thống đào tạo trẻ, nên 2 nền bóng đá này có bước tiến đều đặn trong ít năm gần đây.

Thái Lan có dấu hiệu chững lại, nhưng có vẻ như họ đang quyết tâm thay đổi hình ảnh so với năm 2018 nhiều thất bại!

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ