(GD&TĐ) - Kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học đang “nóng” lên từng ngày ở khắp nơi, học trò nhao lên đi luyện thi, phụ huynh đôn đáo chuẩn bị,...nhưng đâu đó, có những học sinh âm thầm, lặng lẽ tự trau dồi cho mình kiến thức hay tìm đến nhà thầy dạy mình ở bậc phổ thông ôn luyện. Bởi vì, nhà các em đều là học sinh nghèo, đến như tiền để đi thi trong vài ngày cũng chưa chắc đã đủ nói gì đến ôn luyện…
Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT thì rất nhiều học sinh được bố mẹ chọn lựa cho điểm ôn thi, chuẩn bị đầy đủ phương tiện hiện đại. Trong những lò luyện thi chúng ta có thể dễ dàng nhận ra học sinh con nhà giàu sành điệu, có nhiều em đến với mục đích khoe những thứ đồ hiện đại mà bố mẹ chúng không tiếc tiền của sắm cho. Thậm chí rất nhiều gia đình ở TP. Điện Biên Phủ, không tiếc tiền bỏ ra vài chục triệu để làm chuyến cho con “vi hành” về thẳng thủ đô Hà Nội “Tầm sư học đạo” tìm những ông thành danh tiếng, với niềm tin chắc chắn con mình sẽ đỗ vào trường như ý. Bởi những kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm bao năm dạy ở những lò luyện, mà học sinh ở đây học ra hàng năm đều đỗ, đạt trên 99,9%. Vậy thì tiền không quan trọng mà kiến thức sát với thi được nhồi mới là điều đáng quan tâm.
Thế nhưng có những nơi sự học vẫn nóng nhưng nóng trong âm thầm, lặng lẽ… Như chính cuộc sống của các em học sinh nghèo ở những bản làng xa xôi mà chúng tôi vừa đến thăm ở ngõ phố nhỏ tổ dân phố 9, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, tĩnh lặng … Nơi mái ấm hạnh phúc gia đình của thầy Phạm Xuân Chính, giáo viên dạy môn Địa lý của Trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé. Cách đây hơn một tuần, ngôi nhà ấy đón nhận thêm hai thành viên là học sinh của trường “khăn gói” ra ở nhà thầy ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi cao đẳng, đại học tới. Khi tôi đến thầy Chính đang chỉ dạy lại những kiến thức cơ bản hướng dẫn hai học trò ôn luyện đề thi của những năm trước.
Em Lý A Giàn và Vàng A Dê tập trung ôn luyện tại nhà thầy Phạm Xuân Chính |
Tâm sự với 3 thầy trò, tôi thật sự khâm phục trân trọng tấm lòng tâm huyết, nhiệt tình yêu thương trò và ý chí nghị lực của em: Lý A Giàn, bản Nậm Chua 2, xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé và Vàng A Dê, bản Mo Công, xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà. Cũng chỉ vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên khi thi xong tốt nghiệp các em không có điều kiện đi ôn thi ở các lò luyện thi, thầy Chính đã động viên đưa hai học trò về nhà mình để ôn luyện, dạy bảo. Ngôi nhà nhỏ chật hẹp được phân chia ra làm 2, vừa là chỗ ban ngày cho các em học, ban đêm là chỗ ngủ. Ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc các em đều do gia đình thầy đảm nhiệm. Qua câu chuyện, tôi được biết hai em đều là đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý và là học sinh khá, giỏi của trường, kỳ thi tốt nghiệp vừa qua các em đều đạt số điểm cao nhất nhì trường. Hai em đều có chung ước mơ đăng ký thi vào khối C, Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc. Một ước mơ hết sức bình dị với nhiều lý do nhưng cả 2 em đều có chung câu trả lời, đó là mong ước đi theo con đường của các thầy đã từng dạy dỗ, cưu mang mình và trở thành thầy giáo để giúp các em học sinh ở trên mảnh đất quê hương, bản làng còn nhiều khó khăn.
Trong niềm xúc động, Vàng A Dê kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình: Nhà em có 5 anh chị em, cũng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn mà 2 em phải bỏ học khi đang học cấp 2, ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Trong thời gian học cấp 3, đã 2 lần em bỏ học ở nhà vì nghĩ rằng mình không thể theo được và có học lên cao nữa thì sau này gia đình cũng không thể chu cấp được tiền học tiếp. Nhưng mỗi lần em nghỉ học, các thầy cô đều đến tận nhà vận động, tâm sự tạo mọi điều kiện giúp đỡ từ tình cảm đến vật chất, điều ấy đã làm em suy nghĩ rất nhiều để quyết tâm học tập. Dê đã tâm niệm rằng, việc mình học thật giỏi sẽ có cơ hội giúp đỡ gia đình và sau này cho các em đi học lại. Vì thế năm học nào em cũng đạt học sinh tiên tiến và giành được giải khuyến khích môn Địa lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12 vừa qua. Đó là động lực, thôi thúc em chuẩn bị kỳ thi đại học tới.
Nếu có thi đỗ thì con đường học sẽ rất gian nan nhưng với ý chí, nghị lực quyết tâm cùng với sự động viên của thầy cô sẽ tiếp thêm cho em sức mạnh và hàng ngày sự chỉ bảo như thầy Chính, Dê luôn tin rằng mình sẽ không phụ công lao ấy - em nói với chúng tôi: Con đường em lựa chọn, mong sau này sẽ làm được như các thầy cô đã dạy mình. Bên cạnh đó, Lý A Giàn cũng đồng cảnh ngộ như Vàng A Dê nhà em có 4 anh em bố mẹ chỉ làm ruộng, nương chỉ đủ ăn. 3 năm trèo đèo lội suối vượt đoạn đường gần 60 km đến trường. Khó khăn vất vả nên đã nhiều lần Giàn chùn bước, nhưng thầy cô tiếp thêm cho em sức mạnh, Giàn đã vượt lên bằng thành tích đáng nể 2 lần đạt giải ba môn Địa lý học sinh giỏi cấp tỉnh. Giàn nói chúng tôi rất thật thà: Vốn liếng của em có 1 triệu đồng được khen thưởng học sinh giỏi, em tiết kiệm để trang trải cho kỳ thi sắp tới. Nếu thi đỗ vào trường em biết rằng rất khó khăn trong học tập nhưng em cố gắng, cùng với sự giúp đỡ của gia đình và xã hội em vượt qua, mong muốn sớm trở thành thầy giáo về dạy học ở tại quê hương mình.
Em Lò Thị Văn ngoài lúc ôn thi tranh thủ dệt vải để bán |
Cùng chung nỗi niềm trăn trở, lo lắng trước mùa thi là cô học trò Lò Thị Văn, Trường THPT Mường Nhà, huyện Điện Biên mà chúng tôi đã gặp. Nhà có 3 chị em gái Văn là chị, 2 em đã phải nghỉ học ở nhà làm giúp đỡ bố mẹ vì mẹ em thường xuyên đau ốm. Niềm mơ ước của em được học lên cứ nửa ngày đến trường, nửa ngày Văn lại về giúp bố mẹ dệt vải để bán, khó khăn là vậy nhưng cô bé giàu nghị lực ấy luôn vươn lên dẫn đầu lớp về học tập.
3 năm học em đều đạt 3 giải ba cấp tỉnh về môn Văn học. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, em được 48 điểm, kỳ thi đại học tới em đăng ký dự thi vào Học Viện báo chí và Tuyên truyền.
Giờ em chọn cho mình giải pháp tự ôn luyện ở nhà, chờ ngày đi dự thi vì em chỉ tích cóp trong năm học lớp 12 được 2 triệu đồng từ giải thưởng dành cho học sinh giỏi để làm lộ phí xuống Hà Nội dự thi với nỗi lo lắng, thấp thỏm… không biết có đủ cho những ngày thi và rồi sau này theo học như thế nào nếu thi đỗ.
Nhưng dù thế nào thì em vẫn muốn được một lần thử sức ở các ngành em yêu thích - Văn chia sẻ: Gia đình tạo mọi điều kiện cho em đi học nhưng em rất thương bố mẹ và các em, vì để có thể cho em được vài trăm nghìn mỗi tháng đi học sẽ là gánh nặng rất lớn, khó thể có được cho em. Với em chỉ có lòng quyết tâm còn đến đâu thì lo đến đó…
Với những học sinh nhà nghèo trước mùa thi mà chúng tôi gặp, các em đều có chung lòng quyết tâm dù biết bao gian khó, chông chênh đang chờ đợi nhưng trong các em vẫn vững lòng tin để hoàn thành ước nguyện của mình. Mong sao có sự tiếp sức của mọi người, xã hội để các em bớt đi gánh nặng lo toan an tâm học tập tốt.
Kiên Cường