(GD&TĐ) - Ngày 20/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị giao ban sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, đại diện các vụ, cục, sở GD&ĐT cùng toàn thể các thầy cô giáo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Hội nghị giao ban nhằm đánh giá kết quả triển khai thí điểm việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông tại các tỉnh, thành phố và xác định phương hướng triển khai việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông trong năm học 2013 - 2014 và những năm tới.
Việc sử dụng di sản trong dạy học đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Các địa phương được chọn làm thí điểm đều đã quán triệt và triển khai tốt chủ trương của liên Bộ về sử dụng di sản trong dạy học. Các sở, phòng GD&ĐT, trường THCS, THPT tham gia thí điểm đã nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của sử dụng di sản trong dạy học đối với việc phát triển các kĩ năng thực hành, năng lực của học sinh. Sử dụng di sản trong dạy học đã được đưa vào bài học cụ thể trong các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc.
Các cơ sở đã tạo được sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch địa phương về việc sử dụng di sản trong dạy học các môn tham gia thí điểm ở trường phổ thông.
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường THCS, THPT được chọn làm thí điểm đã tích cực sử dụng di sản trong dạy học trong các bài học cụ thể, hoặc các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hay tổ chức học sinh dạy học trải nghiệm tại di sản. Thông qua việc áp dụng thí điểm, năng lực của nhiều giáo viên đã được nâng cao thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh. Đối với HS, việc sử dụng di sản trong dạy học tác động đến tư tưởng tình cảm của học sinh.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh: Trong quá trình đưa di sản vào dạy học ở trường phổ thông, GV cần tận dụng các cơ hội, điều kiện cho HS tiếp cận với di sản. Điều đó góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức, kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức; Phải phối hợp tốt hơn nữa giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để HS có điều kiện đến học tập tại thực địa; Phối hợp chặt chẽ giữa GV và ban quản lý tổ chức di sản... Đồng thời nên tiếp tục nhân rộng việc đưa di sản vào dạy ở nhiều môn học, ở nhiều địa phương, ở các cấp học bằng cách lồng ghép, tích hợp hoặc dạy riêng để giáo dục về đạo đức, tình cảm và nhận thức cho HS.
Minh Châu
TIN LIÊN QUAN |
---|