Nếu bạn nghĩ một người làm công nghệ sẽ cho phép con của mình dùng smartphone, máy tính, mạng xã hội thoải mái, bạn đã nhầm.
Theo Nick Bilton, một cây bút của New York Times, Steve Jobs từng tiết lộ bọn trẻ trong nhà không dùng iPad khi mẫu tablet đầu tiên của Apple lên kệ cuối năm 2010.
“Chúng tôi giới hạn thời gian con cái dùng công nghệ tại nhà”, ông nói. Bilton cùng nhiều người khác hẳn đã nghĩ ngôi nhà của một thiên tài như Jobs phải là thiên đường của dân công nghệ song tất cả đã nhầm.
Không chỉ Jobs, một số nhân vật có máu mặt trong làng công nghệ đều có tư tưởng hạn chế con cái “cắm mặt” vào màn hình, thường cấm tất cả thiết bị trong các buổi tối trong tuần, dùng hạn chế vào cuối tuần. Điều đó ngược lại với phần lớn phụ huynh ngày nay: cho trẻ “bơi” thoải mái trong thế giới của tablet, smartphone, máy tính cả ngày lẫn đêm.
Có lẽ, họ biết được điều gì đó mà cha mẹ bình thường không biết.
Chris Anderson - Cựu biên tập viên tờ Wired và hiện là Tổng Giám đốc hãng sản xuất máy bay không người lái 3D Robotics, đặt ra giới hạn thời gian cho mọi thiết bị trong nhà.
“Các con tôi gọi tôi và vợ là “phát xít” vì bạn bè của chúng không phải tuân theo luật lệ nào cả. Đó là bởi vì chúng tôi đã trực tiếp trải qua những hiểm nguy từ công nghệ. Bản thân tôi đã chứng kiến, tôi không muốn thấy điều đó xảy ra với con tôi”.
Hiểm nguy đó là gì? Chính là việc trẻ dễ tiếp cận với nội dung độc hại như khiêu dâm, bị bọn trẻ khác bắt nạt qua mạng, hay tệ hơn là nghiện thiết bị như cha mẹ của chúng.
Alex Constantinople - Tổng Giám đốc OutCast Agency, một doanh nghiệp marketing và truyền thông, cho biết con trai út 5 tuổi không được phép dùng thiết bị trong tuần, còn con lớn chỉ được dùng 30 phút/ngày.
Evan Williams, nhà sáng lập Blogger, Twitter, Medium và vợ, Sara Williams, mua cho con hàng trăm cuốn sách để chúng đọc bất kỳ lúc nào thay vì phải dùng iPad.
Các ông bố, bà mẹ trong ngành công nghệ quyết định giới hạn theo tiêu chí nào? Thông thường họ dựa theo độ tuổi.
Trẻ dưới 10 tuổi dễ bị nghiện nhất nên họ thường không cho con dùng thiết bị trong các ngày bình thường. Vào cuối tuần, chúng có thể dùng tablet hoặc smartphone từ 30 phút đến 2 tiếng. Trẻ từ 10 - 14 tuổi được phép dùng máy tính nhưng chỉ cho mục đích học tập.
Một số bậc phụ huynh còn cấm con dùng mạng xã hội, trừ các dịch vụ tự hủy như Snapchat. Cách này giúp họ không phải lo lắng về những thứ trên mạng có thể làm hại đến cuộc sống sau này của chúng.
Theo Bilton, quy tắc phổ biến nhất trong giới “phụ huynh công nghệ” là: “Không có màn hình (thiết bị) trong phòng ngủ. Không bao giờ”. Ngoài thời gian dùng đồ công nghệ, họ còn phân chia cả thời gian cho từng mục đích: giải trí (xem YouTube, chơi game) và sáng tạo (chỉnh sửa video, lập trình).
Tất nhiên, cấm thẳng thừng sẽ tạo ra tác dụng ngược và khiến con cái trở nên nổi loạn. Dick Costolo - Tổng Giám đốc Twitter - cho biết ông và vợ cho phép hai con dùng thiết bị thỏa thích trong phòng khách. Họ tin rằng đặt ra quá nhiều giới hạn có thể ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
“Khi còn học tại Đại học Michigan, một cậu sống ở phòng ký túc kế bên tôi chất đầy Coca-Cola và soda trong phòng. Sau đó, tôi biết được đó là vì bố mẹ cậu ta không bao giờ cho uống soda hồi nhỏ. Nếu bạn không cho trẻ tiếp xúc với thứ gì đó, tác hại về sau là gì?”.
Cuối cùng, bọn trẻ nhà Jobs làm gì khi không sử dụng thiết bị mà ông tạo ra? Theo Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử Steve Jobs, người dành nhiều thời gian tại nhà của đồng sáng lập Apple, “mỗi bữa ăn tối bên chiếc bàn dài trong bếp, Steve đều thảo luận về các cuốn sách, lịch sử và mọi thứ. Không ai mang ra một cái iPad hay máy tính. Bọn trẻ dường như không bị nghiện thiết bị”.